Khoa Việt Nam học và Tiếng Việthttp://vsl.ussh.vinades.vn/uploads/vsl/vsl-banner1.png
Chủ nhật - 19/10/2014 22:53
Một buổi học làm ấm lòng tất cả mọi người. Từ góc nhìn ẩm thực, các sinh viên hiểu biết hơn về văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá người Việt nói riêng và cũng từ đó gắn kết với nhau hơn trong cộng đồng các dân tộc ở Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt.
Năm nào cũng vậy, lớp học môn Văn hoá ẩm thực Việt Nam cho sinh viên quốc tế đều có một buổi thực hành ẩm thực. Sau những giờ lên lớp nghe giảng tìm hiểu về đặc điểm tự nhiên cũng như đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hoá của Việt Nam làm nền tảng cho ẩm thực, tìm hiểu về cơ cấu, thành phần, cách tổ chức, phong cách, nghệ thuật trong lối ăn cổ truyền của dân tộc Việt; sau một buổi thuyết trình sôi nổi của sinh viên về các món ăn truyền thống của ba miền, cả lớp lại hào hứng bàn bạc chuẩn bị buổi thực hành ẩm thực.
Không giống như năm trước, năm nay sinh viên chủ yếu là các nước châu Á, vì thế các bạn dường như thông thạo và quen thuộc hơn với việc lựa chọn món nấu cho nhóm mình. Từ một tuần trước, các nhóm đã phân công và đăng kí các món ăn. Cả lớp chia làm ba nhóm. Mỗi nhóm chọn một món ăn tiêu biểu của Việt Nam và một vài món tiêu biểu cho dân tộc mình.
Các bạn tự chuẩn bị nguyên liệu rồi tự nấu. Có món các bạn nấu ở nhà, một vài món các bạn làm tại phòng ẩm thực của Khoa.
Ngay từ sáng sớm, các bạn nhóm 3 đã có mặt tại Khoa, tích cực chuẩn bị nguyên liệu và các đồ dùng cho việc nấu nướng. Sisavanh, sinh viên Lào, tỉ mẩn chọn gia vị và nhặt rau, Li Zu Feng rửa rau, thái thịt, Jon Kuk Hyon lo sắp xếp những thứ cần dùng. Nhóm này các bạn sẽ làm bánh xèo - một loại bánh tiêu biểu và khá phổ biến ở miền Trung, miền Nam Việt Nam. Kuk Hyon mang đến món Kimbap làm từ nhà. Hộp Kimbap được trình bày bắt mắt đến mức ai cũng phải xuýt xoa ngắm nhìn. Mai-sinh viên Đức chuẩn bị khoai tây hầm thịt - món ăn truyền thống của Đức.
Ân (tên Việt Nam của Li Zu Feng) tỏ ra là một đầu bếp siêng năng và nhiều kinh nghiệm. Ân bắt đầu làm thử chiếc bánh xèo đầu tiên với sự chăm chú và khéo léo bất ngờ. Chiếc bánh vàng rộm, vỏ giòn tan và thơm lừng. Thày trò cũng nhau nếm thử thành quả đầu tiên. Không khí dịu mát mùa Thu quyện với hương vị của chiếc bánh-tác phẩm mới “ra lò”, cho vào miệng vừa bùi vừa ngậy vừa thơm, thêm một chút nước chấm pha vừa vị, tạo nên một cảm giác thật khó tả.
Một lúc sau, các bạn trong hai nhóm còn lại cũng lục tục mang đồ nấu tới. Nhóm 1, nhóm của Guo Mei Qi (Mĩ Kì) làm bánh sủi cảo, nem rán và món thịt bò kho kiểu Hàn. Nhóm 2 làm phở cuốn, gà xào ớt khô và thịt kho tàu. Tất cả các món ăn được bày trên bàn trong phòng Ẩm thực và các bạn bắt đầu thuyết trình về các sản phẩm mình đã làm ra. Mỗi nhóm trình bày lí do vì sao mình lại chọn các món này và nói ý nghĩa của chúng, nói về nguyên liệu, cách làm và cả cách thưởng thức.
Thày và trò chia sẻ những kinh nghiệm, những câu chuyện về ẩm thực thật thú vị: Mei Qi nói về bánh sủi cảo, Kim Sang Hwan và Kim Ju Seok nói về món thịt bò kho Hàn Quốc, Miao Miao nói về món gà xào ớt khô của vùng Vân Nam, Yi Nhi nói về Phở cuốn, Pan Yue Zhi nói về món thịt kho tàu, Kuk Hyon nói về Kimbap, Mai nói về món khoai tây hầm truyền thống của Đức v.v… Mỗi món ăn đều gắn với một câu chuyện, một sự tích lí thú và mang một hương vị riêng. Nếu như món thịt bò hầm Hàn Quốc đậm đà cả hương lẫn vị thì món phở cuốn Việt Nam lại rất thanh tao, ăn vào thấy nhẹ nhõm. Trong khi món thịt kho tàu béo ngậy dậy mùi thơm của gia vị đặc trưng thì món gà kho ớt lại khiến người ta thấy ấm áp bởi sự tê tê cay cay mà không kém mặn mà của ớt khô ngấm vị ngọt của thịt gà. Khác với món sủi cảo ngậy ngậy vị của lòng đỏ trứng gà quyện với hương tự nhiên của mùi rau cỏ nấm, hay Kimbap Hàn Quốc tích tụ những tinh hoa của gạo thì bánh xèo Việt Nam là tổng hoà của các hương vị và màu sắc: màu vàng của vỏ bánh, màu trắng của giá đỗ, màu đỏ của tôm đồng, màu xanh của hành hẹ, màu trắng và nâu của thịt ba chỉ. Có thể nói, bánh xèo đã gói trọn cả ngũ sắc và ngũ vị trong ẩm thực Việt. Các món được trình bày rất đẹp mắt và màu sắc rất đa dạng.
Chỉ trong một buổi học thực hành nhưng tất cả lớp đã cùng nhau chia sẻ cả kiến thức và tấm lòng. Đây thực sự là một buổi giao lưu ẩm thực giữa các dân tộc trong không khí gắn kết mọi người. Một buổi học đồng thời cũng là buổi liên hoan giữa trời thu mát mẻ. Khí trời hoà quyện vào các món ăn làm tăng thêm dư vị. Thầy Nam (Chủ nhiệm Khoa), thầy Hùng (Phó Chủ nhiệm) và một vài thày cô cũng cùng chia vui với lớp ẩm thực. Một buổi học làm ấm lòng tất cả mọi người. Từ góc nhìn ẩm thực, các sinh viên hiểu biết hơn về văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá người Việt nói riêng và cũng từ đó gắn kết với nhau hơn trong cộng đồng các dân tộc ở Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt.