Chữ duyên trong truyện Kiều

Thứ ba - 07/01/2020 15:44
TS. Lê Thị Thanh Tâm ĐHKHXH-NV, ĐHQG HN Sinh thời, Nguyễn Du vốn có thâm tình với Phật giáo; dù ông vẫn được hình dung như một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế, một nhà nho cốt cách tài tử. Việc Nguyễn Du thông hiểu Kinh Kim Cương, Kinh Hoa Nghiêm và câu chuyện về thế giới duyên khởi trong Truyện Kiều là một “đề bài” hấp dẫn cho những ai quan tâm. Một trong những khái niệm sâu sắc nhất của hệ thống kinh luận và tư tưởng Phật giáo là Duyên. Chữ Duyên ẩn hiện trong Truyện Kiều dưới nhiều dạng thức khác biệt, khiến cho tư tưởng của truyện càng trở nên u huyền. Sẽ có phần khiên cưỡng nếu giải thích tinh thần Phật giáo trong Truyện Kiều xuất phát từ nguyên do tác giả của nó muốn vận vào một lý tưởng tôn giáo để làm mờ đi bế tắc nội tâm (điều này dễ suy luận nhưng khó kết luận); rằng ông chỉ dựa vào Phật giáo để làm một đệ tử thuần thành mà thuyết minh cho đạo phái. “Nếu biết cách đọc, chúng ta có thể học được rất nhiều từ Truyện Kiều như học từ một cuốn kinh[1]. Điều này không mấy khác với sự phát hiện lại kiệt tác Genji (Murasaki, Nhật Bản), một tiểu thuyết từ chốn thượng nguồn thời gian (thế kỉ X); Sau những lời ta thán nghiệt ngã về mối tình loạn luân của chàng Genji, cuối cùng, người ta cũng tin tưởng rằng Murasaki đã viết thiên truyện này bằng tinh thần của người viết kinh Phật (như nàng tự nói về mình). Văn hóa của Truyện Kiều phản ánh văn hóa và nhân cách Nguyễn Du, qua đó, phản ánh một khối tinh hoa tinh thần được nhào nặn trong một tâm sự lớn khó giãi bày. Nguyễn Du nghiền ngẫm Phật giáo ở tư thế một thiên tài văn chương, không phải tư thế một tín đồ, một sinh mệnh chính trị, một cá thể xã hội. Không nên xét yếu tố Phật giáo trong Truyện Kiều như “ưu điểm”, càng không phải như “hạn chế”. Phật giáo trong Truyện Kiều là một dấu ấn đương nhiên trong thời đại Nguyễn Du sống (một hoàn cảnh phiền não sâu sắc về tinh thần), là hệ quả một quá trình “ăn gió nằm sương”, thấm trải triết lý Phật giáo của nhà thơ ở những chiều sâu của cảm thức dân gian và suy nghiệm cá nhân. Chữ Duyên trong Truyện Kiều có sức ám ám ảnh dài lâu, xuất hiện thần tình và chứa nhiều lớp nghĩa phong phú hơn bản thân nó. Trung bình cứ 50,8 câu thì có một chữ Duyên; chữ Duyên cùng với Phận, Tâm, Tình, Thân xuất hiện với cường độ lớn, độ bao phủ lớn, tạo nên một thế giới nội tâm trùng điệp, thế giới nhân tình thế thái tràn ngập thao thức. Phan Ngọc nói Truyện Kiều là câu chuyện của hàng nghìn tâm trạng, hẳn cũng có lý lắm.
  1. Một số nét nghĩa chính của chữ Duyên từ triết lý Phật giáo đến đời sống người Việt
Chữ Duyên (hàm nghĩa là duyên khởi, duyên sinh, nhân duyên) trong tiếng Sanskrit là pratītyasamutpāda, tiếng Pali là paṭiccasamuppāda, ngữ liệu chữ Hán là 縁起. Nguyên gốc từ Duyên bắt nguồn từ chữ Sanskrit paccaya (p. pati) có hàm nghĩa vô cùng rộng lớn: chuyển động, nương nhờ, nâng đỡ, nguyên do, nền tảng của mọi sinh tồn và chuyển hóa. Theo Phạm Hữu Dung, cụm từ tiếng Anh tương đương với khái niệm Duyên là The conditionality of all physical and psychical phenomena (twelve factors), có nghĩa là các điều kiện của mọi hiện tượng tự nhiên và siêu nhiên. Trần Nghĩa Phương dịch: Conditional causation, nghĩa là quan hệ nhân quả do các điều kiện (hợp lại, quy định nhau) mà tạo thành. Thích Trí Chơn trong cuốn Phật giáo yếu lược thì chuyển nguyên văn của Narada Thera là: dependent origination, dependent arising, hay conditioned arising, nghĩa là “sự phát khởi mang tính tùy thuộc, tính điều kiện”. Về tư tưởng, thuật ngữ Thập nhị nhân duyên là bài học vỡ lòng vĩnh viễn cho những ai hướng về đạo Phật, là đề bài uẩn áo cho những bậc tu hành. Về kinh điển, thuật ngữ Duyên có mặt trong bộ thứ 7 của tạng Thắng pháp, gọi là bộ Patthāna. Theo tỳ khưu Chánh Minh, bộ này gồm hai phần: Duyên hệ (Paccayasabhāgo) với ý nghĩa trung tâm là “hỗ trợ cho các pháp sinh lên được vững mạnh” và Duyên sinh với ý nghĩa là “từ cái này, cái kia có”. Trong đó, Duyên hệ gồm 24 duyên, Duyên sinh gồm 12 duyên. Những kết hợp của Duyên ở cả hai góc độ: tôn giáo và đời sống đều vô cùng sống động qua hệ thống từ kết nối đồ sộ: gieo duyên, tương duyên, hóa duyên, nghiệp duyên, duyên khởi, duyên sinh, duyên nợ, duyên phận, phúc duyên, ác duyên, duyên lành, nghịch duyên, thuận duyên, nhân duyên, gặp duyên, vô duyên, có duyên, phan duyên, … Độ phức tạp và tính chất trừu tượng hiếm có của khái niệm Duyên cho thấy nó xứng đáng được tồn tại và triển tiến bền bỉ, sâu thẳm trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo. Qua hệ thống kinh luận Phật giáo, có thể thấy rằng, Duyên là một khái niệm mang tính biện chứng gần gũi với điểm nhìn, cách diễn đạt hiện đại về bản chất và hiện trạng tồn tại của con người và thế giới như: ảo hóa, vong hóa, tương tùy, tương liên, tương tức, huyền ảo, huyễn hóa… (danh sách các từ này còn có thể dài hơn nữa). Bởi vậy chữ Duyên không chỉ có sức khái quát mà còn có sự hoạt hóa vô hạn trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người dân Đông Á. Chữ Duyên cốt tủy là một định danh triết học về đời sống, nhưng bản thân nó không đóng đinh trên đài kinh điển mà lăn vào đời sống và sống thêm nhiều hàm nghĩa khác, hiện ra ở muôn vàn “pháp”. Rất rõ ràng, chữ Duyên đã chuyển từ nghĩa tư tưởng sang nghĩa cuộc sống, biến triết học tư tưởng thành triết lí đời sống, đưa khái niệm tư tưởng thành khái niệm chỉ những đơn vị, biến cố, khoảnh khắc của đời sống. Từ cái kho khổng lồ của văn học dân gian và văn học viết nói chung, có thể thấy rõ 24 khái niệm vĩ đại của Duyên hệ và 12 lý lẽ của Duyên khởi, Duyên sinh được giản lược đi các nghĩa khái quát hóa triết học để dùng trong các trường hợp cụ thể của đời sống. Chiếc áo Duyên không chỉ còn là công cụ cắt nghĩa một vòng đời đau đớn của vô minh và luân hồi mà nó còn tự sản sinh ra một mối tình với các trạng thái tinh thần khác, các trạng huống khác, đa nghĩa hơn và sống động hơn. Sông dài cá lội biệt tăm Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ. Sông sâu cá lội vào bờ Phải duyên thì lấy, đợi chờ nhau chi “Phải duyên” là sự bất ngờ. Yếu tố nhân – quả ở đây gần như biến hình, chỉ để lại một kết cục: bất ngờ gắn bó chặt chẽ và không thể khác. Từ “phải” rất nhiều lớp nghĩa, nếu nhìn từ cấu trúc: va phải, gặp phải, yêu phải, lấy phải… Ca dao Việt Nam rất nhiều cách nói này:
  • Thuyền ai trôi trước Đợi bước tới cùng Chiều về trời đất mông lung Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng tuyết sương.
  • Phải duyên thì gắn như keo Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh
Các khái niệm “gá duyên”, “duyên mãn tình ôi”, “còn duyên”, “hết duyên”, “phận ẩm duyên hôi”, “duyên bạn bầy”, “duyên đôi lứa”, “duyên cắc cớ”, “ế duyên”, “lỡ duyên”, “ép duyên” là cách nói thuần Việt và Việt hóa thú vị mang hơi thở phong vị đời sống linh động bên cạnh các cụm từ Hán Việt mang màu sắc Phật giáo Đại thừa như “duyên tiền định”, “nhân duyên”, “căn duyên”; “nghiệp duyên”; mang màu sắc Nho giáo, Tam giáo như “duyên nợ ba sinh”, “duyên phận lỡ làng”, “duyên tương phùng”… Duyên trong tiếng Việt còn có nghĩa một sự định giá, đánh giá: - Một thương ăn nói có duyên - Người xấu duyên lặn vào trong, bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài Song, nhìn chung, nghĩa chữ Duyên gắn với tuổi xuân, ái tình và nghĩa vợ chồng chiếm hầu hết trong các cách sử dụng ngôn ngữ (gồm cả văn viết và văn nói). Ở đó, Duyên như một cách giải thích, lý giải đời sống, đặc biệt là về những rủi may, gặp hay không gặp, gắn bó hay không gắn bó. Điều này chứng tỏ có khả năng chữ Duyên (ở Việt Nam) được lồng ghép sâu sắc vào chữ Tình (đa tình, lụy tình, tình nghĩa, tài tình, …), giàu âm tính (than thở, than vãn, than thân, liên hệ duyên với phận, kiếp…). Nói cách khác, chữ Duyên trong tiếng Việt đã rời bỏ sự nghiêm ngặt của định luật trí tuệ và giáo lí để trở thành quy luật tâm lí, cảm xúc, gần gũi và thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân ở mọi tầng lớp.
  • Đêm nằm lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
  • Đôi ta như lúa đòng đòng
Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha - Anh đừng rơi nước mắt ớt Anh đừng rớt nước mắt gừng Đôi ta chẳng đặng thì đừng Nhân duyên ông Trời định nửa chừng thôi nhau - Chim bay về tổ có đôi, Nghĩ mình duyên phận lẻ loi mà buồn Từ nỗi lòng than vãn, cách nói về Duyên của người Việt gắn với niềm tin bất biến vào một sự gắn kết/ tan rã đã được tiên liệu (sự tiên liệu gắn với mô hình “ông Trời”, “ông Tơ”, “con tạo”). Niềm tin bất biến này một mặt chứng tỏ một trình độ nhận thức triết học và tín tâm, mặt khác bộc lộ một sự chấp nhận, cam chịu, bất lực mà qui luật tâm lí ẩn phía sau là cả một nỗi buồn thảm không hồi kết. Chữ Duyên còn dùng để cắt nghĩa những biến cố lớn nhất hay ám ảnh nhất của cuộc đời. Khi không giải thích được nữa thì người ta cần có một cái lý đủ mạnh để không còn băn khoăn. Chữ Duyên làm được điều đó. Nàng Kiều “buổi ngày chơi mả Đạm Tiên” đã thổn thức:
  • Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi Người đâu gặp gỡ làm chi Trăm năm biết có duyên gì hay không? Ca dao kể: - Bâng khuâng bát ngát Em hát thật hữu tình Này em ơi! Căn duyên tiền định xui chúng mình gặp nhau. - Đó chưa chồng, anh đây chưa vợ Chẳng qua duyên nợ vần xoay Tình cờ đó lại gặp đây Trời xoay đất trở, nên đây gặp nàng Một lòng nghĩa nặng, đá vàng Trăm năm đã hẹn, giữ tròn nợ duyên Cách “đổ” cho duyên tiền định, trời định, thiên định thúc đẩy sự kí thác tâm sự, cõi lòng, hy vọng, nhẫn chịu và cả những ước mơ dai dẳng về một hạnh phúc sẽ đến trong muộn màng. Chữ Duyên, vì vậy, không chỉ dùng để cắt nghĩa về một đấng nào đó mà còn dùng để cắt nghĩa chính cuộc sống mỗi cá nhân mà đỉnh cao nhất của nó là kết hợp Duyên-Phận. Như vậy, Duyên vừa tồn tại như bầu khí quyển bao la, vạn sự vạn vật vừa ẩn sâu trong mỗi cá thể, mỗi sinh linh.
  1. Chữ Duyên trong Truyện Kiều - minh chứng một thiên tài
Yếu tố Phật giáo trong Truyện Kiều không phải là điều khó tìm; nhưng chắc rằng nó là cái khó đọc. Trần Trọng Kim xác đáng khi quả quyết: “Có người nói rằng: Nguyễn Tố Như tiên sinh, tác giả Truyện Kiều, là một nhà thâm nho, nay lại nói tiên sinh theo Phật học, thì cho là không đúng sự thật (…) Tôi dám chắc rằng tiên sinh là một người học rộng, tinh thông cả Nho học và Phật học.[2] Một dẫn giải khác rất có lý: “Điều đáng ngạc nhiên là nàng Kiều luôn oán trách Trời, Mệnh, Hóa công, Hóa nhi, Số, Phận, Ông tơ, v.v… và trái lại khi nàng nói đến “nghiệp” thì cũng là lúc nàng chịu đựng đau khổ và tự oán trách mình thôi[3] Câu chuyện Nguyễn Du hiểu Phật giáo không hề đồng nghĩa với việc nàng Kiều “thanh y hai lần” mà vẫn “rơi châu vắng người”. Nàng Kiều đã hành xử bằng một tâm thức phổ biến về niềm tin Phật giáo trước cuộc đời nhiều đau khổ,  song chưa bao giờ Kiều là một đệ tử đúng nghĩa của Đức Phật. Dường như đó mới là điều Nguyễn Du nói đến. Các nhà nghiên cứu như Lê Đình Kị, Cao Huy Đỉnh, Lê Văn Quán đều nhìn nhận đó là yếu tố gây hoang mang nhất, khắc đậm niềm bi quan thời đại của Nguyễn Du cũng như sự “loay hoay”, bế tắc trong triết lí của ông[4]. Những bậc tu hành thì thường viện dẫn những câu thơ của Nguyễn Du để làm chứng cho sự thông hiểu Phật pháp và sự quán chiếu thâm diệu của nhà thơ về lẽ duyên nghiệp, nhân quả[5]. Câu chuyện đối ngược trên về nhận định sự ảnh hưởng Phật giáo trong Truyện Kiều không có gì lạ khi đại diện hai cách nói ở hai chiều kích ngược nhau: thế tục và tu hành. Ở một góc nhìn khác, có thể thấy Truyện Kiều là mảnh đất màu mỡ để Nguyễn Du diễn bày toàn thể khối mâu thuẫn nội tâm với mô hình tự sự đa thanh, nhiều lớp đối thoại. Truyện Kiều không phải là một tác phẩm luận đề[6]; Truyện Kiều là một kiệt tác có tứ văn chương/ tứ thơ thiên tài. Tứ văn chương/tứ thơ không chỉ là nơi chiếu rọi nội tâm, tư tưởng của tác giả mà còn là chiến trường của mọi tuyên ngôn, định giá. Lời của Kim Trọng, của Đạm Tiên, của Giác Duyên, của Hoạn Thư, của Từ Hải, của Hồ Tôn Hiến về phẩm giá và sinh mệnh Thúy Kiều đều là cuộc đối thoại vô tận của nhiều quan niệm sống mà suy cho cùng, cũng là “tiếng nói hiểu đời” của Tố Như. Và, Thanh Hiên thi sĩ không đứng ở đâu trong chiến trường đó. Ông không làm thiên sứ hay đại sứ cho một học thuyết nào, ông chỉ đặt những suy tư ấy vào thế đối chọi của các nhân vật trong cuộc bi hoan của chính họ. Một nghệ sĩ thượng thặng biết cách xuất hiện và mất tích trong tác phẩm của mình để nhân vật có quyền được sống. Trong bài viết Nghiên cứu các hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo từ góc độ lịch sử tư tưởng và đạo đức học, Trần Đình Hượu xác định một “công thức sống” phổ quát của kiểu người không theo triệt để một học thuyết nào: GIỮ NGHĨA + VI THIỆN + TỰ TẠI[7] Điều này rất cần được soi chiếu vào mô hình tư tưởng Truyện Kiều, khi mà tác giả của nó cùng lúc đóng rất nhiều vai trong tấn trò đời oái ăm của cuốn tiểu thuyết bằng thơ. Cái phơi phới ngậm ngùi của mối duyên tình ảm đạm “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy” không thể lấy làm bằng chứng cho một tâm hồn giải thoát theo thiền đạo. Kết cục nhiều tranh cãi này đôi khi chỉ khúc xạ một thứ công thức buồn bã an toàn: tự tại. Trong nhiều bài viết về ảnh hưởng Phật giáo trong Truyện Kiều, một số tác giả đã không bỏ qua yếu tố “duyên”: “Cái khởi duyên một đời cô Kiều, tác giả đã báo trước cho độc giả biết ở giấc chiêm bao sau khi đi Thanh minh về. Việc tình duyên đang dở dang, thì tình nhân phải gọi về quê xa. Việc tình chưa xong, việc nghĩa tiếp đến. Không dung cha mắc tụng đình, nhà cửa tan nát[8]47 chữ duyên, đứng một mình hay đi chung với chữ khác, mà thi hào Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều đều nằm trong ý nghĩa chữ duyên, hay duyên khởi của nhà Phật; trong đó có thể nêu ra một số trường hợp, nào là, “duyên trời”, “duyên kỳ ngộ”, “trần duyên”, “nhân duyên”, “khuôn duyên”, “dây duyên”, “duyên đôi lứa”, “duyên bạn bầy,” “duyên nợ”, “tơ duyên”, “vô duyên”, “cơ duyên”, “duyên xưa”, v.v…” (Huỳnh Kim Quang)[9]. Theo thống kê của chúng tôi, Truyện Kiều có 64 lần xuất hiện chữ “duyên” (trừ tên riêng của Giác Duyên). Bản thân cái tên Giác Duyên vừa gắn với thuật ngữ Duyên giác thừa vốn là bậc giác ngộ dựa vào lý Thập nhị nhân duyên vừa có nghĩa Hiểu biết toàn mãn về nhân duyên. Việc Giác Duyên xuất hiện và chi phối không khí tâm linh của tác phẩm (bên cạnh Đạm Tiên là một bóng ma của sự khổ) cho thấy ám ảnh về duyên-phận khá đậm đặc trong Truyện Kiều. Nếu chữ Tâm, chữ Nghiệp, chữ Thân được mô tả như con đường ngắn nhất gắn tác giả Truyện Kiều với đạo Phật thì chữ Duyên là một minh chứng khác, rất mạnh mẽ nhưng khó tỏ tường. Dưới đây là bảng phân loại, thống kê các cấp độ nghĩa chữ Duyên trong Truyện Kiều:
STT Duyên mang nghĩa hôn nhân, tình yêu Duyên theo quan niệm nhân quả Phật giáo Duyên mang nghĩa điều kiện quy định hiện trạng Duyên mang nghĩa: cảm thức mơ hồ, cắt nghĩa mơ hồ về sự tồn tại
11 Duyên Châu Trần Nghiệp duyên Còn duyên Vô duyên
22 Duyên Đằng Nhân duyên Vô duyên Trần duyên
33 Ép duyên Trần duyên Duyên ưa Khuôn duyên
44 Duyên đôi lứa Giải cấu là duyên Duyên bạn bầy Duyên đằm thắm
55 Phải duyên Duyên nợ Phải duyên Duyên bẽ bàng
66 Duyên hài Cơ duyên Duyên đâu Sự duyên
77 Duyên mới   Còn gì là duyên Hết duyên
88 Tình duyên ấy   Giận duyên Giận duyên
99 Duyên trước     Phận cải duyên kim
110 Duyên sau      
111 Dây duyên      
112 Duyên ưa      
113 Duyên ta      
114 Kết duyên      
115 Duyên chị      
116 Duyên kỳ ngộ      
117 Tơ duyên      
118 Duyên hội ngộ      
119 Duyên nợ      
220 Duyên em      
221 Giận duyên      
222 Duyên kia có phụ chi tình      
223 Đẹp duyên      
224 Duyên đằm thắm      
225 Duyên bẽ bàng      
226 Duyên Vân      
227 Phụ duyên      
228 Chữ duyên càng nồng      
229 Duyên mày      
330 Duyên xưa      
Các tổ hợp từ và cụm từ được Nguyễn Du sử dụng liên quan đến chữ Duyên mà chúng tôi bước đầu khảo sát gồm:
Duyên + danh từ / đại từ
Duyên Châu Trần, duyên nợ, duyên tình, duyên phận, duyên em, duyên chị, duyên ta, duyên Vân
Danh từ + Duyên
Khuôn duyên, Cơ duyên, Nghiệp duyên, Sự duyên, Nhân duyên, Dây duyên
Tính từ + Duyên
Tơ duyên, Trần duyên,
Duyên + Tính từ/ cụm tính từ
Duyên bẽ bàng, Duyên đằm thắm, Duyên kì ngộ, Duyên trước, Duyên sau
Động từ + Duyên
Phải duyên, Phụ duyên, Giận duyên, Ép duyên, Kết duyên Tuy chưa phải là một thống kê đầy đủ nhưng các tổ hợp trên cũng phần nào cho thấy sức cộng hưởng và ảnh hưởng mãnh liệt của chữ Duyên trong cảm thức ngôn ngữ và nhân sinh quan người Việt. Nguyễn Du 3 lần đặt Thúy Kiều vào thế “vô duyên” với một cảm thức xót thương. Trong đó, hai lần nàng tự nói, một lần nằm trong lời sư Tam Hợp. Cuộc đời Kiều nhiều lần không thể tìm thấy nơi nương tựa, không sống được với tình yêu, không thể bình yên. “Vô duyên” (“Vô duyên là phận hồng nhan đã đành”) ở đây mang một nét nghĩa là bất hạnh, thiếu hoặc không có phúc duyên, nhằm chỉ một người không phù hợp với bất kì nơi nào, không thành tựu được bất kì một mong ước nào trong những chọn lựa và kết nối. Trong trường hợp này, “Vô duyên” không mang ý nghĩa định giá, trái lại,“Vô duyên” ngầm chứa một cách nói trắc ẩn sâu sắc, nó đồng nghĩa với trắc trở, “không gặp”, “không cùng” (Điều này, Mộng Liên Đường chủ nhân nói rất trúng: “Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê”). Người “vô duyên” là người không được sống thảnh thơi một cuộc đời bình thường, bị xa lạ và bị chối bỏ khỏi mọi hy vọng. Trong sâu xa, đó là nỗi bất lực “không có cách nào gặp được”, “không có cách nào khắc phục được một quan hệ lẽ ra phải có, phải được”, lối kết của nó sẽ là “cô độc.Trái với “vô duyên” là “hữu duyên” (có duyên). Hữu duyên là cơ hội gặp, cơ hội gắn bó, triển hiện, khai hoa, kết tụ, là hạnh phúc, toại nguyện. Yếu tố hữu duyên này chưa bao giờ được phát ngôn thành lời trong Truyện Kiều mà ẩn sau những mong muốn, hy vọng, gián tiếp tin tưởng của nhân vật chính vào các biến cố đời mình. Truyện Kiều chứa một nghịch lí lớn về Duyên - Phận, nghịch lí ấy phủ khắp các nhân vật: gặp rồi lại xa, thề nguyền rồi thất tín, sắc sảo khôn ngoan mà thành vô duyên, tưởng thoát rồi lại mắc, tưởng chết thì lại sống, tưởng đúng nhưng lại sai,… Thế giới “trùng trùng duyên khởi” được Nguyễn Du sáng tạo trong Truyện Kiều còn hé lộ nhiều qui luật đáng chú ý: - Những ai được “quyền” nói về chữ duyên? Chỉ có các nhân vật sau được Nguyễn Du dành nhiều ý tưởng và lời thơ về Duyên: Thúy Kiều, Giác Duyên, Thúy Vân, Kim Trọng, Vương Viên Ngoại, Hoạn Thư, Từ Hải, Đạm Tiên và vị khách viễn phương của nàng. - Vì sao chỉ những con người ấy mới được nói đến chữ Duyên? Toàn bộ tuyến nhân vật mang tính chất tàn ác/ tham độc/ thô thiển đều không được Nguyễn Du dành cho một phát ngôn nào liên quan đến chữ Duyên. Chữ Duyên là đặc quyền của “nòi tình”, “giống hữu tình”, bậc tài hoa, ngộ đạo, những “triết nhân” phóng túng và quằn quại giữa đời thường. Đó là sự thẩm nhận tinh tế của người “trong cuộc” có mối dây kết nối sâu sắc về tâm linh với nhân vật chính. Chỉ có họ mới đủ quan hệ, đủ ân oán, đủ bi hoan để trút ra những lời thổn thức về duyên tình, duyên phận, duyên nghiệp. Một số chữ Duyên được Nguyễn Du sử dụng để mô tả, thuật chuyện, là giọng kể của tác giả về nỗi trắc trở, éo le của Kiều, đôi khi lồng vào giọng độc thoại nội tâm của Kiều dành cho hoàn cảnh trớ trêu cười ra nước mắt, đứng về phía tâm sự của Kiều (chữ không phải dành cho những nhân vật thô lậu). Tiếng khóc của người khách “ở viễn phương” đối với Đạm Tiên có nhiều ẩn ý: Khóc than khôn xiết sự tình Khéo vô duyên bấy là mình với ta Đã không duyên trước chăng mà Thì chi chút ước gọi là duyên sau Đó là lời than vãn về duyên tình của một người sống với một hồn ma. Duyên trước (có lẽ) là duyên khi còn sống hoặc kiếp trước, hoặc lẽ ra đã được tiền định và kịp thời được gặp gỡ, yêu thương nhau khi còn sống. Duyên sau (có lẽ là) duyên của cõi thế với cõi âm, duyên sau khi đã khuất, duyên muộn hoặc duyên sẽ có về sau, kiếp sau, đời sau. Cuộc đối thoại sinh tử này tạo ra vô số bóng ma quanh cái chết Đạm Tiên. Bóng ma trùng điệp đó, rất có lí, theo nàng Kiều vào cả giấc mơ, ám ảnh nàng sau buổi thanh minh. Đặt Đạm Tiên lên trước Kim Trọng, nàng Kiều băn khoăn về cái phù phiếm, vô nghĩa đến lạ lùng của tài sắc, tài tình (“đến thế thì thôi”, “đời bỏ đi”). Nghiệm xong cái phù phiếm, nàng mới băn khoăn tiếp về chàng Kim: “trăm năm biết có duyên gì hay không”. Cái phù phiếm đi trước cái trăm năm[10], vì vậy mà chữ “duyên” trong câu này nhẹ như bấc, khiến chàng Kim Trọng hiện ra như một cái bóng mờ đẹp đẽ bên cạnh cái bóng đen định mệnh choáng hết tâm trí Kiều. Chữ “duyên” mà Kiều băn khoăn với Kim Trọng không còn gói gọn trong ý nghĩa duyên tình, duyên nợ, duyên hôn nhân mà còn là một thứ duyên mơ hồ rồi sẽ trở thành hồi ức, kỉ niệm, một thứ duyên bị “phù phiếm hóa”, một thứ “duyên gì”… Vì niềm tiên cảm ấy mà câu thề “thì đem vàng đá mà liều với thân” của Kim Trọng với nàng Kiều tội nghiệp cũng tan thành mây khói. Tiên liệu về cõi phù phiếm, thoáng tạm đã ăn sâu vào tiềm thức thông thái của nàng Kiều, khiến nàng càng dại dột trong nhân thế bao nhiêu thì lại càng thâm trầm trong nơi “xuất thế” bấy nhiêu. Mọi lời thề thốt nghiêm trọng, mọi quyết định trinh liệt đều không thể nào trở thành hiện thực trong một cảm thức rất hiện sinh của Kiều (kể cả cuộc tự sát đến 2 lần). Trong lời trần tình đơn độc của nàng Kiều: Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi, chữ duyên gắn với phận, duyên và phận là cái để định nghĩa sự tồn tại bất thường và bi thảm của Kiều. Trường hợp này, duyên là số phận của tình yêu, số phận của hôn nhân và cao hơn là số phận của một người phụ nữ (và cũng chỉ có trong cách nói than vãn, ý thức của người phụ nữ). Kết hợp Duyên - Phận khiến cho Phận không còn là Phận như một nhát dao rạch ròi không thể sửa chữa. Duyên - Phận là một kết hợp “mềm hóa”, hàm chứa yếu tố nhân quả đồng thời cũng khẳng định một sự nâng đỡ, hóa giải ngầm ẩn. Lời kết tạm Dù xuất phát từ góc nhìn Phật giáo hay thế tục thì Truyện Kiều vẫn là nơi tràn ngập không khí nhân duyên, duyên tình, duyên nợ, duyên kiếp. Nhờ chữ Duyên, không gian thảm khốc của mối oan tình và cuộc đời tan nát của Kiều được “phù phiếm hóa”, “vô thường hóa” một cách nhân bản dù có phần chua chát; như lý thuyết “hơi thở nhẹ” của Bunhin. Một “đường cong” của Duyên chạy qua các cơn tai biến, đôi khi nằm trong lời Giác Duyên, đôi khi nằm trong mắt Thúy Kiều, đôi khi nằm trong lời Tố Như chen vào cuộc đối thoại của nhân vật chính, tạo nên một sự nâng đỡ tâm linh cho thế giới con người. Sức sống và sự chuyển động bên trong, năng lượng nội tâm của tác phẩm chắc rằng sẽ được nhìn thấy rõ hơn nữa khi chúng ta xới lên cái cuống sâu xa của một thứ rễ cây kì diệu của sắc tình và đau khổ. Cái cuống ấy, sức sống và sự chuyển động ấy có cái tên khác là Duyên. 3.254 câu lục bát trong Truyện Kiều thể hiện một cách tự nhiên dòng chảy huyền diệu của Kinh Hoa Nghiêm - nơi chữ Duyên được thể nghiệm toàn mãn chân tướng Khổ đế, khơi sâu một niềm cảm thông không biên giới cho những khổ nạn  cõi người.  Hà Nội, qua ngày Lập đông – 2015 L.T.T.T Phụ lục 64 chữ Duyên trong Truyện Kiều
  1. Khóc than khôn xiết sự tình
Khéo vô duyên bấy là mình với ta
  1. Đã không duyên trước chăng mà
  2. Thì chi chút ước gọi là duyên sau
  3. Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
  1. Âu đành quả kiếp nhân duyên
Cũng người một hội một thuyền đâu xa
  1. Hoa trôi bèo dạt đã đành
Biết duyên mình biết phận mình, thế thôi
  1. Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi
  1. Mừng thầm chốn ấy chữ bài
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây
  1. Gẫm âu người ấy, báu này
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm
  1. Sinh rằng giải cấu là duyên
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều
  1. Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương? 12, 13 Mái tây để lạnh hương nguyền Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng Sự đâu chưa kịp đôi hồi
  1. Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ
  2. Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên Tình, bên Hiếu bên nào nặng hơn
  1. Đau lòng tử biệt sinh ly
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên
  1. Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì
  1. Rằng lòng đương thổn thức đầy
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong
  1. Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
  1. Trăm nghìn gửi lại tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
  1. Này cha làm lỗi duyên mày
Thôi thì nỗi ấy sau này đã em
  1. Lầu xanh có mụ Tú Bà
Làng chơi đã trở về già hết duyên
  1. Rủi may âu cũng sự trời
  2. Giận duyên, tủi phận bời bời
Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh
  1. Nào hay chưa hết trần duyên
Trong mê dường đã đứng bên một nàng
  1. Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
  1. Lời tan hợp, nỗi hàn huyên
Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng
  1. Sắn bìm chút phận con con
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng
  1. Hỡi ơi nói hết sự duyên
Tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan
  1. Nhẹ như bấc, nặng như chì
Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên
  1. Bể trần chìm mỗi thuyền quyên
Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời
  1. Nhân duyên đâu lại còn mong
Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi
  1. Cho hay giọt nước cành dương
Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên
  1. Trót vì cầm đã bén dây
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta
  1. Hư không đặt để nên lời
Nàng đà nhớn nhác, rụng rời lắm phen Mụ càng xua đuổi cho liền Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần
  1. Trước sân lòng đã giãi lòng
Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên
  1. Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng
  1. Duyên em dù nối chỉ hồng
May ra khi đã tay bồng tay mang
  1. Cười rằng cá nước duyên ưa
Nhớ lời nói những bao giờ hay không
  1. Còn nhiêu ân ái với nhau
Cơ duyên nào đã hết đâu, vội gì
  1. Duyên đâu ai dứt tơ đào
Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay
  1. Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành
  1. Sư rằng song chẳng hề chi
Nghiệp duyên cân lại, nhắc đi còn nhiều
  1. Khi nên Trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau
  1. Trước sau cho vẹn một lời
Duyên ta mà cũng phúc trời chi không
  1. Còn nhiều hưởng thụ về sau
Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào
  1. Nạn xưa trút sạch làu làu
Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này 47, 48 Kiếp này duyên đã phụ duyên Dạ đài còn biết, sẽ đền lai sinh
  1. Vội vàng sắm sửa chọn ngày
Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng
  1. Khi ăn ở, lúc ra vào
Càng sâu duyên mới càng dào tình xưa
  1. Tình xưa, ân trả, nghĩa đền
Gia thân bèn mới kết duyên Châu Trần
  1. Phong trần chịu đã ê chề
Dây duyên sau lại xe về Thúc Lang
  1. Gặp nàng khi ở Châu Thai
Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên
  1. Nàng Kiều công cả chẳng đền
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù
  1. Cơ duyên đâu bỗng lạ sao
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi
  1. Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em
  1. Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao
  1. Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa
  1. Duyên kia có phụ chi tình
Mà toan bẻ gánh chung tình làm hai
  1. Nàng rằng gia thất duyên hài
Chút lòng ân ái, ai ai cũng lòng
  1. Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa
  1. Tình duyên ấy, hợp tan này
Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao 63, 64 Ba sinh đã phỉ mười nguyền Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy Tư liệu tham khảo chính - Nguyễn Du, về tác gia và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998. - Khái lược duyên hệ, Tỳ khưu Chánh Minh, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2008. - Phật giáo yếu lược, Narada Thera, H.T Thích Trí Chơn dịch, NXB Phương Đông, 2009. - Phật giáo trong Truyện Kiều (Bài thuyết trình của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho chương trình chuyên đề của Phật học Đường Vạn Hạnh, ngày 11 tháng 10 năm 2003). -  Trần Đình Hượu tuyển tập, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007. - Truyện Kim Vân Kiều, Thanh Tâm tài nhân, Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân dịch, NXB Hải Phòng, 1994. - Truyện Kiều, Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, NXB ĐH và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991. -  Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB KHXH, Hà Nội, 1975. - Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, NXB Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, Hà Nội, 2004. - Tự điển đối chiếu Phật ngữ, Phạm Hữu Dụng, Première edition, 1996. (..) [1] Thay lời tựa, Thích Nhất Hạnh (nguồn: http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/tap-truyen/tha-mot-be-lau/thay-loi-tua?set_language=vi) [2] Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều, Trần Trọng Kim, trích Nguyễn Du, về tác gia và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh, NXb Giáo dục, Hà Nội, 1998, trang 279. [3] Triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Du, về tác gia và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh, NXb Giáo dục, Hà Nội, 1998, trang  556. [4] Xem Góp phần tìm hiểu triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều, Lê Văn Quán, Tạp chí Hán Nôm, số 5(102), 2010, trang 56, 66; Hiểu đúng đắn truyện Kiều, Lê Đình Kỵ, Ban vận động thành lập Hội văn nghệ Đồng Tháp xuất bản năm 1986; Triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Du, về tác gia và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh, NXb Giáo dục, Hà Nội, 1998, trang 551-563. [5] Xem Hiểu về trái tim, Minh Niệm, NXB Trẻ, 2011; Truyện Kiều qua cái nhìn Phật học, Thích Đồng Trực (nguồn: http://thuvienhoasen.org/a8363/truyen-kieu-qua-cai-nhin-phat-hoc-luan-van-tot-nghiep); Tài và Tâm trong Truyện Kiều dưới góc nhìn nhà Phật, Nhật Mai (nguồn: http://chuaphuclam.vn/index.php?/van-hoa/tai-va-tam-trong-truyen-kieu-duoi-goc-nhin-nha-phat.html); Phật giáo trong Truyện Kiều (Bài thuyết trình của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho chương trình chuyên đề của Phật học Đường Vạn Hạnh, ngày 11 tháng 10 năm 2003). [6] Nghĩa là việc tìm kiếm hệ thống mạch lạc về tư duy triết học trong Truyện Kiều không quan trọng bằng cách khơi gợi những yếu tố tâm lý văn nghệ nào đã giúp nhà thơ viết nên tác phẩm. Và hẳn nhiên cũng không cần khẳng định rằng Truyện Kiều viết ra nhằm giải thích, khuyến cáo khuyến thiện về thuyết nhân quả, nghiệp báo luân hồi. [7] Xem Trần Đình Hượu tuyển tập, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 119. [8] Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều, Trần Trọng Kim, Nguyễn Du, về tác gia và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, trang 275. [9] [10] Nhìn tổng thể Truyện Kiều thì cái trăm năm đi trước cái phù phiếm (Câu 1: Trăm năm trong cõi người ta, câu 2: Mua vui cũng được một vài trống canh), đây là vòng tròn tuyệt bút của Nguyễn Du.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay4,200
  • Tháng hiện tại133,530
  • Tổng lượt truy cập1,696,351
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây