Khoa Việt Nam học và Tiếng Việthttp://vsl.ussh.vinades.vn/uploads/vsl/vsl-banner1.png
Chủ nhật - 22/01/2017 23:34
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt chia sẻ cùng Nhân Dân cuối tuần về dòng chảy của tiếng Việt trong thế giới hội nhập.
Là một người Việt, bạn hẳn sẽ cảm thấy gần gũi khi một vị đại sứ nước ngoài chuyển tải thông điệp đến cộng đồng bằng chính tiếng Việt, hay hát nhạc Trịnh Công Sơn… Bạn sẽ thấy xôn xao khi xa quê, nghe tiếng Việt tròn vành rõ chữ từ những em bé có pha dòng máu Việt… PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ cùng Nhân Dân cuối tuần về dòng chảy của tiếng Việt trong thế giới hội nhập.
- Thưa Phó Giáo sư, 36 năm góp phần bắc nhịp cầu ngôn ngữ nối kết Việt Nam với thế giới, xin được hỏi, đâu là quãng thời gian đáng nhớ đối với cá nhân ông?
- Tuổi thanh niên của tôi trôi qua trên đất bạn Cam-pu-chia, đó là quãng thời gian khó khăn nhưng đáng nhớ. Ngày ấy, để giúp bạn xây dựng lại một đất nước đã bị tàn phá nặng nề về mọi mặt bởi họa diệt chủng Pôn-pốt, chúng ta cần xây dựng kênh giao tiếp chung, đó là sử dụng cả hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Khơ-me. Gần như toàn bộ giáo viên của Khoa Tiếng Việt Trường đại học Tổng hợp Hà Nội khi ấy đều được điều động làm nghĩa vụ quốc tế. Không chỉ sang nước bạn giảng dạy, mà trong nước, các khóa đào tạo kỹ năng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cũng được mở ra cho các giáo viên ngoại ngữ tại các trường đại học ngoại ngữ ở Hà Nội và cả các đơn vị bộ đội của ta, trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Đó là một giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng nhiệm vụ phục vụ quá trình tái thiết nước bạn đã được hoàn thành. Trong niềm vui chung ấy có niềm vui riêng của những người dạy tiếng Việt chúng tôi.
- Tôi mường tượng, ở giai đoạn ban đầu, đối tượng của Khoa khá là đặc thù và hạn chế. Nhưng, điều đó dần được thay đổi, nếu nhìn qua mỗi lần Khoa được định danh lại, thưa giáo sư?
- Đúng vậy! Từ cái tên ban đầu là Tổ Việt ngữ của Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp những năm 1959-1960, trở thành Bộ môn Việt ngữ, rồi Khoa Tiếng Việt (năm 1968), rồi thành Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài (năm 1996), và thành Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt như từ 2008 đến nay, đối tượng cũng như chương trình đào tạo của khoa thay đổi rất nhiều. Đó là bước đi cần thiết nhằm phục vụ tốt hơn công tác đối ngoại và giúp truyền bá văn hóa Việt Nam, cũng như đáp ứng nhu cầu học ngày càng cao của cả người Việt lẫn bạn bè quốc tế. Ở Khoa chúng tôi, hiện ngoài hàng trăm sinh viên học viên quốc tế đến từ hơn 30 nước trên thế giới, còn có hơn 250 sinh viên và học viên Việt Nam học chương trình cử nhân và thạc sĩ Việt Nam học.
- Xin được hỏi cặn kẽ một chút, chương trình đào tạo Việt Nam học của Khoa có sự khác biệt gì so với chương trình của các bộ môn Việt Nam học ở nước ngoài?
- Ở nước ngoài, bộ môn Việt Nam học hướng đến đối tượng là người nước ngoài muốn học tiếng Việt và nghiên cứu các lĩnh vực chuyên sâu về Việt Nam. Ở chỗ chúng tôi, Việt Nam học hướng đến đối tượng là cả người nước ngoài lẫn người Việt. Đây là một môn khoa học liên ngành, với nền tảng tri thức về ngôn ngữ, văn học, văn hóa, lịch sử Việt Nam… tương đối tốt. Do đó, sinh viên tốt nghiệp có phổ tìm việc tương đối rộng.
- Giảng dạy tiếng Việt cũng như thể góp phần giữ gìn hồn cốt của dân tộc. Ông có những câu chuyện cảm động nào để chia sẻ về chuyện này không?
- Làm công việc gì cũng cần có niềm đam mê. Và đam mê trong tôi được tiếp sức từ những câu chuyện rất thật.
Từ khắp nơi trên thế giới, đã có hàng nghìn học viên đến với Khoa để học hỏi các chương trình cử nhân hoặc khóa học ngôn ngữ ngắn hạn. Họ rời đi nhưng những câu chuyện xúc động thì còn lại. Một học viên quốc tịch Pháp, bố là người Việt, mẹ người Trung Quốc, đã tìm về học tiếng của quê cha khi đã sang tuổi 60. Chúng tôi cũng từng dạy hai học viên cùng lúc - cha người Hà Lan và con là sự kết hợp dòng máu Hà Lan - Việt Nam.
Cũng có những câu chuyện khá đặc biệt như, một người cháu ngoại của nhà ngoại giao người Hà Lan, tên James Engel, 17 tuổi đã lấy bằng đại học, đã biết sáu thứ tiếng, vẫn quyết định tìm đến Việt Nam học ngôn ngữ thứ bảy và dự định sẽ học thạc sĩ Nhân học ở Việt Nam. Có lần tôi gặp một người Việt lấy vợ Nga, sang Mỹ dạy học, và quyết đưa vợ và ba con đến học tiếng Việt chỗ chúng tôi… Vậy đấy, có lẽ ở Khoa chúng tôi luôn có thể gặp được những câu chuyện thú vị về tình yêu với tiếng Việt, niềm khao khát học hỏi vẻ đẹp của ngôn ngữ và lịch sử đất nước, con người Việt.
Dạy tiếng Việt còn là truyền niềm cảm hứng đến người học, vậy nên, khi giảng dạy môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam ở Trường đại học Rikkyo (Nhật Bản), ngay ở những buổi đầu tôi đã chọn dạy bài hát Trống cơm. Bạn biết không, học viên tiếp thu rất nhanh và hát với cả sự đam mê, cũng luyến cũng láy dù chưa thể đọc thật nhanh các dòng chữ, chưa hiểu hết tầng sâu của ngôn từ.
- Được biết, Khoa là một địa chỉ đào tạo mát tay, là nơi tạo nên những nhà hoạt động ngoại giao, văn hóa kỳ cựu của các nước?
- Vâng. Gần 60 năm lịch sử, nơi đây đã từng đào tạo được hàng nghìn người nước ngoài, hàng trăm nhà ngoại giao kỳ cựu, trong đó có 15 người đã lần lượt trở thành đại sứ các nước tại Việt Nam qua các thời kỳ hoặc trở thành Bộ trưởng, Phó Thủ tướng (Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, CHDCND Triều Tiên, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Mông Cổ, Anh, Pa-le-xtin…).
Họ vẫn rất nhớ những kỷ niệm ngày đi học ở đây. Như Đại sứ Ru-ma-ni A.Va-lê-ri-u (A.Valeriou) từng chia sẻ hồi ức về thời cứ nghe còi hú là được lệnh chui xuống hầm trú ẩn những năm chiến tranh. Như Đại sứ Pa-le-xtin S.Sa-la-ma (S.Salama) bồi hồi nhớ lại một thời đi học gian khó, mỗi buổi liên hoan chỉ có dăm cái bánh, vài cái kẹo…
- Thưa Phó Giáo sư, hiện tại nhu cầu tìm về nguồn cội, về ngôn ngữ và văn hóa Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam và tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài mỗi lúc một lớn. Nhưng cũng vì thế mà nảy sinh sự lộn xộn trong dạy và học?
- Đến bây giờ, tôi vẫn tự hào rằng khả năng sử dụng tiếng Việt của những người đã được Khoa chúng tôi đào tạo khá là chuẩn mực. Muốn làm tốt được việc giảng dạy tiếng Việt cần phải hội đủ các tiêu chí: Có phương pháp sư phạm đúng đắn; có khả năng tâm lý; có kiến thức tốt về tiếng Việt, để giải thích đúng bản chất tiếng Việt, có tri thức đa văn hóa, lại cần có kiến thức tương đối “bách khoa” về Việt Nam.
Nhưng trước hết, phải yêu tiếng Việt. Phải duy trì thói quen sử dụng tiếng Việt. Những điều đó tiếc thay không phải trung tâm giảng dạy nào cũng có, không phải người dạy nào cũng ý thức được. Đó là thực tế đáng phải cảnh báo và có giải pháp chấn chỉnh.
- Xin cảm ơn Phó Giáo sư! Xin chúc Phó Giáo sư cũng như Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt một mùa xuân mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!- Xin cảm ơn bạn.