Khoa Việt Nam học và Tiếng Việthttp://vsl.ussh.vinades.vn/uploads/vsl/vsl-banner1.png
Thứ năm - 05/09/2013 00:35
Khóa 55 Việt Nam học thực hiện chuyến thực tập thực tế trên “Con đường di sản miền Trung” (từ 12 đến 17/8/2013) do PGS.TS Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn và cô Vũ Thị Xuyến phụ trách. Điểm đến của đoàn chúng tôi tập trung tại 3 điểm chính: cố đô Huế, Đà Nẵng và phố cổ Hội An.
Khóa 55 Việt Nam học thực hiện chuyến thực tập thực tế trên “Con đường di sản miền Trung” (từ 12 đến 17/8/2013) do PGS.TS Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn và cô Vũ Thị Xuyến phụ trách. Điểm đến của đoàn chúng tôi tập trung tại 3 điểm chính: cố đô Huế, Đà Nẵng và phố cổ Hội An.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 17h30 phút ngày 12/8/2013, đoàn khởi hành với chiếc xe 45 chỗ màu xanh. 42 sinh viên đã cất vang lời ca trước khi lên đường và cuộc hành trình theo dòng chảy văn hoá của đất nước bắt đầu. Niềm vui, niềm háo hức hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười. Tạm xa kí túc xá, những khu nhà trọ, chia tay giảng đường… chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình.
9 giờ sáng, ngày 13/08, đoàn đến điểm tham quan đầu tiên của chuyến hành trình: Chùa Thiên Mụ - một ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của cố đô. Ai đến Huế mà chưa ghé thăm Chùa Thiên Mụ thì xem như chưa hiểu Huế, như chưa đến Huế. Bởi lẽ đây là ngôi chùa đã có hơn 400 năm tuổi, qua bao biến động đổi thay theo năm tháng. Chùa Thiên Mụ là một trong những hình ảnh biểu trưng cho xứ Huế. Và tiếng chuông Thiên Mụ đã đi vào đời sống văn hóa của người dân xứ Huế từ bao đời nay:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.”
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi trong chuyến tham quan, thực tế, đó chính là Kinh thành Huế, nơi mà mỗi sinh viên chúng tôi đều ước ao một lần được đặt chân tới. Không như tưởng tượng ban đầu về một kinh thành uy nghi, tráng lệ. Kinh thành Huế khiến cho người ta cảm nhận được một không khí tôn nghiêm với cảm giác thư thái, êm đềm của thiên nhiên gần gũi.
Lăng Khải Định là điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trong chuyến hành trình đến Huế. Vào bên trong lăng, chúng tôi thật sự choáng ngợp với lối trang trí dày đặc bằng nghệ thuật khảm kính sứ. Cùng với các bức tranh bài trí trên tường, dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ Cửu Long ẩn hiện trong mây. Cả không gian 6 mặt đã tạo nên một thế giới nghệ thuật đặc sắc. Phòng sau của điện Khải Thành là chính tấm có đặt tượng vua Khải Định, mộ ở phần dưới. Lăng Khải Định thực sự là một công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc. Nó góp phần làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế.
Chúng tôi chỉ có 2 ngày ở lại Huế để tìm hiểu, khám phá nhưng thời gian nghỉ ở Huế lại là thời gian lưu lại tại một địa phương trên tuyến hành trình nhiều nhất. Nhưng với 143 năm tồn tại của triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945), với hàng trăm các di tích còn lại trên vùng đất Cố Đô thì hai ngày cũng chỉ giúp chúng tôi nhận diện được một vài nét chấm phá nào đó trong những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật qua những dấu hiệu vật chất còn lại của triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng này.
Đúng là miền Trung nắng lửa mưa dầu, mấy ngày đoàn đến miền Trung trời nắng dữ dội, oi bức hơn hẳn cái nắng của Hà Nội, đoàn ghé bãi biển Lăng Cô để nghỉ ngơi, tắm biển trước khi quay trở về với Huế. Đứng trước biển giữa cái nắng gió của miền Trung mới cảm nhận hết sự dữ dằn của khí hậu vùng đất này.
Tạm biệt xứ Huế mộng mơ, đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường để đến với một thành phố trẻ của miền Trung đầy nắng, gió… Trước mắt chúng tôi dần hiện ra một thành phố công nghiệp lớn nhưng sạch sẽ, không ồn ào và rất ngăn nắp, quy củ. Chiếc cầu dây văng hoành tráng bắc qua con sông Hàn thơ mộng, những tòa khách sạn sang trọng, những con đường rộng rãi, thoáng mát chạy dọc bờ biển như là điểm nhấn tạo nên nét đẹp hiện đại của Đà Nẵng hôm nay.
Sau khi nghỉ ngơi và ăn cơm tại khách sạn, mỗi người đều tìm cho mình một cách khám phá riêng, người thì đứng trên cầu Rồng để ngắm sông Hàn lung linh và ánh trăng huyền ảo trên mặt biển mênh mông, người thì chọn cho mình một quán cafe nhỏ để ngắm đường phố và nhịp sống sôi động của thành phố Đà Nẵng về đêm…
Trải tiếp đoạn đường, đoàn tạm dừng chuyến hành trình trong ngày của mình tại thị xã cổ kính – di sản văn hoá thế giới Hội An. Một không gian thẫm đẫm chất văn hoá xứ Quảng trong cuộc sống hiện đại với những mái ngói lô xô của những ngôi nhà cổ, những chiếc đèn lồng rực rỡ về đêm, những gánh hàng rong trên chiếc lưng cong của những mế già, tiếng rao đêm, tiếng nói mà người xứ lạ không thể luận ra và đặc biệt là hình ảnh những vị khách nước ngoài cười nói, tay trong tay dạo bước trên những con đường của khu phố.
Điểm dừng đầu tiên trong chuyến hành trình ngược ra Bắc là vùng đất Quảng Trị anh hùng với thành cổ Quảng Trị, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc... và bãi biển Nhật Lệ thơ mộng. Thầy trò chúng tôi được nghỉ lại một khách sạn trên bãi biển Nhật Lệ để hóng gió biển Đông. Khu nghỉ này vẫn còn hoang sơ nhiều so với những giá trị mà nó chứa đựng, đó là điều thật đáng tiếc...
Qua một đêm đầy ý nghĩa ở bãi biển Nhật Lệ, sáng đoàn lại tiếp tục khởi hành ra Bắc. Sự mệt mỏi của cả đoàn hầu như tan biến, có lẽ bởi sự sắp xếp hợp lý, mang tính chuyên môn cao của những người thực hiện chương trình.
Trên đường về Hà Nội, đoàn ghé thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Ngã ba Đồng Lộc. Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc – Hà Tĩnh, một mốc son chói lọi trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Chủ nghĩa anh hùng bất diệt của dân tộc được chúng tôi cảm nhận thật sâu sắc khi đến các điểm di tích lịch sử cách mạng trong chuyến đi này như thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc… Chẳng hiểu nổi lòng mình, bỗng dưng trong mỗi chúng tôi niềm tự hào dân tộc trào dâng và cũng rất tự nhiên, chúng tôi nhận ra rằng, chuyến đi thật ý nghĩa, giá trị thật lớn lao, hơn hết thảy những gì mà chúng tôi đã thu nhận được qua những trang sách, bài giảng trên lớp về sự hy sinh to lớn và tinh thần bất khuất của dân tộc việt Nam ta trong một thời kỳ kháng chiến gian khổ, chiến tranh ác liệt…
Cả đoàn sinh viên chúng tôi, không ai bảo ai, bỗng dưng đều yên lặng, bước lên xe từng người, từng người một, thật khẽ… Hình như ai cũng mải đắm theo những cảm xúc riêng của mình. Mỗi người một liên tưởng, một dư âm đọng lại cho đến khi xe ra đến tận quốc lộ 1. Buổi học tại di tích Ngã Ba Đồng Lộc vang vọng lại trong chúng tôi bao điều thiêng liêng, dường như không thể nói thành lời...
Thật là một chuyến đi đầy ý nghĩa, bổ ích và đầy cảm xúc…
Tạm biệt miền Trung, tạm biệt Huế mộng mơ, tạm biệt Quảng Bình, Quảng Trị nắng gió, khắc nghiệt, kiên cường; lại đã thấy một Hà Nội chật chội, ồn ào, hối hả, mới thấy thật tiếc nuối. Chia xa miền Trung nhưng lòng mỗi chúng tôi luôn tự nhủ rằng khi ao ước một nơi bình yên thư thái, nhất định chúng tôi sẽ lại tìm về với miền Trung yêu dấu…