Những kỉ niệm không bao giờ phai

Thứ ba - 24/09/2013 21:13
Nhân dịp kỉ niệm 45 năm thành lập Khoa, Jay Jordens (cựu sinh viên Australia) gửi đến bài viết bằng tiếng Việt kể về những ngày mới học tiếng Việt ở B7bis của 27 năm trước.
Những kỉ niệm không bao giờ phai
Những kỉ niệm không bao giờ phai
VSL — Justin Jordens (tên thời sinh viên của Jay Jordens) là một trong hai sinh viên đầu tiên của Khoa Châu Á, Đại học Quốc gia Australia sang học tập tại Khoa Tiếng Việt, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội vào năm 1986. Hiện anh làm việc tại một Toà án thuộc Melbourne, Australia. Nhân dịp kỉ niệm 45 năm thành lập Khoa, anh gửi đến bài viết bằng tiếng Việt kể về những ngày mới học tiếng Việt ở B7bis của 27 năm trước. Đầu tiên, em xin nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm 45 năm của Khoa Tiếng Việt! Năm 1986 em sang Việt Nam để học tiếng Việt ở Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mới 19 tuổi, em đúng là thanh niên nước ngoài ngây thơ, chả biết gì về phong tục tập quán, văn hoá và lịch sử Việt Nam. Về tiếng Việt, chưa nói được một câu nào cả. Sang Việt Nam học cũng là lần đầu tiên em bỏ nhà đi xa, thế thì tất cả đều mới, lạ, và hoàn toàn thú vị. Đến Hà Nội thì Khoa Tiếng Việt cho em phòng riêng trong kí túc xá B7 bis, tại Đại Học Bách khoa. Hồi đó, B7 bis không có nhiều sinh viên nước ngoài. Kí túc xá bên cạnh là sinh viên Bách khoa, phòng nào cũng 8 sinh viên, có thể hơn, đông lắm. Em đến là em biết ngay: Hoàn cảnh sinh viên nước ngoài và sinh viên trong nước là khác hẳn nhau.
Justin Jordens, Hà Nội 1986
Justin Jordens, Hà Nội 1986
Em không biết là vẫn còn hay không, nhưng mà ngày xưa có một ngõ nhỏ đi qua kí túc xá ra phố Đại Cồ Việt. Dân sống cạnh ngõ đó em thấy có vẻ quý sinh viên nước ngoài lắm. Hồi em mới đến Hà Nội, khi mà lớp học nghỉ buổi chiều, em hay đi theo ngõ đó với ý định đi tìm phố cổ nổi tiếng của Hà Nội. Mỗi lần đi, dân ngõ cứ gọi, cứ kêu, mời em ngồi chơi, uống trà, hút thuốc (kể cả thuốc lào), ăn lạc và nói chuyện. Em không muốn từ chối vì sợ mất lịch sự với dân ngõ, thế thì ở lại chơi. Hơn 3 tuần, em mới đủ dũng cảm từ chối lời mời của dân và đi ra khỏi ngõ, lên phố Đại Cổ Việt đi tìm phố cổ. Tất nhiên, ai mà muốn học ngoại ngữ phải tiếp xúc cho nhiều với dân. Điều đó thì dễ nói, nhưng thực hiện thì khó, và theo em, vì phát âm tiếng Việt là cực kì khó cho người nước ngoài, vấn đề hiểu nhầm nhau rất dễ xuất hiện. Ví dụ, hồi em sang học, có một cô gái Úc cũng sang. Cô này rất hiền lành và dễ thương, ai cũng nói thế. Cô tên là Stephanie, cô bằng tuổi em. Cô Stephanie rất thích nhìn mấy con bò ăn cỏ dưới sân kí túc xá mình, ở Úc thì chả bao giờ có bò trong trường đại học đâu. Vì thế, cô ấy thấy thú vị. Một hôm lớp cô Ngọc cho học sinh đặt câu dùng những từ "trong", "ngoài", "trên", "dưới" v.v. Chắc chắn cô Stephanie định đặt câu "ở ngoài sân, có nhiều con bò lắm", nhưng vì phát âm chưa chuẩn lắm, và cô mới sang học, câu của cô Stephanie thành "ở ngoài sân, em có nhiều bồ lắm". Phát âm tiếng Việt: khó, có khi gây “nguy cơ” cho sinh viên nước ngoài. Kinh nghiệm em cho rằng tiếp xúc là quan trọng để tập nói và nghe, nhưng thời gian trong lớp quan trọng hơn trăm lần. Những giờ phút học sinh ngồi đối diện với thầy, cô giáo, đặc biệt là trong thời gian mới học tiếng Việt, sẽ có một ảnh hưởng rất mạnh mẽ và lâu dài về sự phát triển ngoại ngữ của học sinh. Nhất là về phát âm, nghe hiểu, và ngữ pháp. Em còn nhớ hồi mới vào học và cô Ngọc dạy. Cô, cũng như các thầy cô giáo khác của em toàn dạy phương pháp trực tiếp - dùng tiếng Việt không. Em cứ ngồi trong lớp cố gắng nghe hiểu cô Ngọc dạy, nghĩ là giọng nói cô giống chim hót, mà chim hót thì chắc em hiểu nhiều hơn bài học này. Mấy tuần đầu tiên là thật khó, làm em rất là mệt và đau đầu, và chắc chắn em cũng làm cho các cô, thầy giáo cũng đau đầu lắm. Nhưng, bất ngờ sau 3 tháng, em nói được, hiểu tương đối tốt, còn 3 tháng sau đấy nữa, tiếng Việt của em khá đầy đủ để nói chuyện rất tự nhiên, nói đùa với dân ngõ, đọc và viết cũng tiến bộ rất nhiều. Sự phát triển tiếng Việt của em trong 27 năm nay là do các cô, thầy giáo chịu khó dạy bằng mọi cách mệt mỏi và sáng tạo nhất để đào tạo một cơ sở ngôn ngữ cho em. Học ở Khoa Tiếng Việt đã mở rất nhiều cửa cho em sau đó. Về chuyện học ngoại ngữ, thì một năm sau khi học xong ở Khoa, em sang Campuchia học thêm một ngoại ngữ nữa. Tiếng Việt cũng thành một kĩ năng rất quan trọng trong công việc của em, cả ở Úc và cả ở mấy nước khác.
Justin và bạn học người Đức, Christoph, nay là PGS về lịch sử ĐNA và VN tại Đại học Washington.
Justin và bạn học người Đức, Christoph, nay là PGS về lịch sử ĐNA và VN tại Đại học Washington.
Khi em nhớ lại năm học của em ở Khoa Tiếng Việt, em cũng nhớ lại hoàn cảnh của thủ đô cổ trong thời kì đó. Chắc chắn các sinh viên hôm nay không thể tưởng tượng được: Đó là thời mà chỉ có bút và giấy, bàn và ghế là dụng cụ của sinh viên, còn các cô, thầy giáo thì ngày nào cũng là bụi phấn và bảng đen. So với thế giới có mạng, có ipad, em đúng là sinh viên thời kì khủng long. Em rất biết ơn các cô giáo và thầy giáo của Khoa Tiếng Việt, vì đã chịu khó dạy em, và cũng đã dạy em chịu khó nữa. Một năm học đã cho em một cơ sở rất vững chắc về tiếng Việt và bao nhiêu kỉ niệm rất tình cảm và bài học cuộc đời rất là có giá trị để em mang theo trong 27 năm qua. Em chân thành cảm ơn các cô giáo và thầy giáo của Khoa Tiếng Việt, nhất là thầy Nam, cô Ngọc và cô Thuận. Xin chúc mừng kỉ niệm 45 năm của Khoa!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay5,789
  • Tháng hiện tại141,000
  • Tổng lượt truy cập1,703,821
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây