Nâng cao năng lực dự đoán từ tiếng Việt trong ngữ cảnh cho học viên quốc tế

Thứ bảy - 25/05/2019 11:24
Đoán từ trong ngữ cảnh là một cách để khám phá ý nghĩa của từ mới. Việc học tập ngẫu nhiên thông qua đoán từ trong ngữ cảnh là rất quan trọng trong tất cả các cách học từ vựng. Điều này đúng cho việc học tập của cả người bản ngữ học ngôn ngữ thứ nhất của họ, và cả những người học ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, nhiều người đã không có được những điều kiện cần thiết để học loại hình học tập này. Mục đích chính của bài viết này là (1) khẳng định đoán từ trong ngữ cảnh như một cách giảng dạy và học tập và (2) trả lời câu hỏi: nâng cao năng dự đoán từ cho người học bằng cách nào?
Nâng cao năng lực dự đoán từ tiếng Việt trong ngữ cảnh cho học viên quốc tế
Nâng cao năng lực dự đoán từ tiếng Việt trong ngữ cảnh cho học viên quốc tế
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Chí Hòa

Đoán từ trong ngữ cảnh là một cách để khám phá ý nghĩa của từ mới. Việc học tập ngẫu nhiên thông qua đoán từ trong ngữ cảnh là rất quan trọng trong tất cả các cách học từ vựng. Điều này đúng cho việc học tập của cả người bản ngữ học ngôn ngữ thứ nhất của họ, và cả những người học ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, nhiều người đã không có được những điều kiện cần thiết để học loại hình học tập này. Mục đích chính của bài viết này là (1) khẳng định đoán từ trong ngữ cảnh như một cách giảng dạy và học tập và (2) trả lời câu hỏi: nâng cao năng dự đoán từ cho người học bằng cách nào?

1. Đoán từ trong ngữ cảnh như một cách giảng dạy và học tập.

Krashen cho rằng có hai cách khác nhau để phát triển năng lực của những người trưởng thành trong việc chiếm lĩnh ngôn ngữ thứ hai: (1) thụ đắc ngôn ngữ là một quá trình vô thức và (2) học tập ngôn ngữ là có ý thức. Thực chất đó là sự phân biệt học tập có chủ ý và học tập ngẫu nhiên: Học từ trong ngữ cảnh thường được xem là một cách  trái ngược với việc học tập và giảng dạy từ vựng trực tiếp.  Vai trò và vị trí của hoạt động dự đoán nghĩa từ, theo chúng tôi, là hoạt động bổ sung, nhằm nâng cao việc học tập theo một hướng khác.

Học từ ngữ cảnh được hiểu là việc học tập từ một cách ngẫu nhiên trong quá trình đọc hoặc nghe ngôn ngữ được sử dụng bình thường trong khi trọng tâm chính của sự chú ý của người học là vào các nội dung thông báo của văn bản. Học trong ngữ cảnh bao gồm học tập từ việc đọc, học tập trong quá trình tham gia vào những cuộc hội thoại, học tập và lắng nghe những câu chuyện, xem phim, ảnh, xem truyền hình hoặc nghe đài phát thanh. Học từ ngữ cảnh không bao gồm các từ được học tập và xác định là có chủ ý.

Mặc dù việc học từ vựng trong ngữ cảnh phần lớn là học tập ngẫu nhiên, nhưng việc tập trung một cách có chủ ý vào phát triển các kỹ năng và chiến lược đoán từ trong ngữ cảnh là cần thiết để thực hiện kiểu học tập này. Do tầm quan trọng của việc đoán từ trong ngữ cảnh, nên việc dành thời gian luyện theo các chiến lược đoán từ trong ngữ cảnh là đáng làm cho cả giảng viên và học viên. Đặc biệt là, học viên đã ở trình độ trung cấp và nâng cao trong học tập ngoại ngữ.

1.1. Học từ ngữ cảnh đem lại lợi ích gì?

Thực tế cho thấy rằng có một vài tình huống có thể xảy ra với một mục từ khi gặp trong ngữ cảnh: (+) Từ được đoán đúng ở một mức độ nào đó và ít nhất đã được học một phần. (+)  Từ được đoán đúng ở một mức độ nào đó, nhưng không học được gì cả. Điều này có thể xảy ra đối với nhiều từ. (+)  Từ được đoán không chính xác. (+)  Từ bị bỏ qua, có thể bởi vì nó không phải là từ quan trọng đối với các nội dung muốn thông báo của văn bản.

Có một số quan điểm về học từ trong ngữ cảnh như dưới đây:

  1. Học tập từ vựng ngẫu nhiên chỉ là một trong nhiều loại học tập khác nhau có thể xảy ra khi người học đọc. Họ không chỉ có thể bắt đầu học từ mới và tự làm phong phú thêm những kiến ​​thức ngữ pháp của mình mà họ còn làm quen với cấu trúc văn bản, nâng cao các kỹ năng đọc, tìm hiểu thông tin mới và nhận thức được rằng đọc là một hoạt động thú vị.
  2. Lợi ích nhỏ sẽ trở thành lợi ích lớn, khi người học đọc với số lượng lớn các văn bản. Nếu người học đọc hàng ngàn hoặc hàng triệu từ trong một năm, thì việc học được nhiều từ là có thể.
  3. Tỷ lệ kiến thức học tập được có thể tăng lên đáng kể nhờ sự chú ý có chủ ý vào từ vựng.  Có một số kết luận được rút ra từ những phát hiện về tỷ lệ từ học được trong ngữ cảnh: Trước tiên, điều quan trọng là người học tiến hành đọc được một số lượng lớn những văn bản thú vị. Thứ hai, người học ngôn ngữ thứ hai không nên chỉ dựa vào kho từ vựng ngẫu nhiên học được từ ngữ cảnh, mà cần phải quan tâm đến học tập phi ngữ cảnh; được bổ sung bằng cách học từ ngữ cảnh. Học tập từ vựng trực tiếp và học tập ngẫu nhiên là những hoạt động bổ sung cho nhau.

Các nội dung về các chủ đề không quen thuộc; do đó, có thể là nguồn ngữ liệu tốt trong việc học từ trong ngữ cảnh. Đây là một quan điểm hấp dẫn có ý nghĩa rất quan trọng cho giảng viên và người học, đặc biệt là đối với việc lựa chọn  văn bản và chuẩn bị giảng dạy những thông tin trong văn bản. Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu L1 hoặc L2 nào nghiên cứu trực tiếp về vấn đề này. Tuy nhiên có thể nhận thấy là từ được ghi nhớ nhiều hơn do suy luận từ ngữ cảnh khi:

  • Suy luận được kiểm tra bằng cách tham khảo thêm ​​một từ điển. Sử dụng từ điển đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng vốn từ vựng cho HVQT.
  • Định nghĩa từ dựa trên ngôn ngữ thứ nhất được sử dụng. Có nghĩa là, HVQT tìm ra được từ đồng nghĩa cho từ chưa biết của L1. Tìm một từ đồng nghĩa với L2 cũng có hiệu quả nhưng không có hiệu quả bằng ghi nhớ một từ đồng nghĩa với từ tương ứng trong L1, và tạo ra một diễn giải dài dòng về ý nghĩa là ít hiệu quả nhất cho việc ghi nhớ.
  • HVQT nhớ ra họ đã nhìn thấy một từ nào đó trước khi gặp lại nó một lần nữa, nhưng trước khi gặp lại lần thứ hai, họ không thể nhớ ý nghĩa của nó. Điều này cho thấy rằng việc học từ vựng là một quá trình tích lũy dần. Kiến thức có được trong các lần gặp sau được xây dựng dựa trên các lần gặp trước, mặc dù các lần gặp trước chỉ học được rất ít.

1.2. Có th hc được gì từ ngữ cảnh?

Một yếu tố quan trọng trong việc đoán từ trong ngữ cảnh là những nội dung đang được học. Ở mức độ đơn giản nhất, từ chưa biết có thể đại diện cho một khái niệm quen thuộc và do đó, các nhãn mới cho khái niệm quen thuộc này cần được học. Nếu từ biểu đạt cho một khái niệm không quen thuộc, thì cả khái niệm và hình thức của từ cần phải học. Mặc dù hình thức từ và ý nghĩa của nó là một trong những điều quan trọng nhất để biết về một từ, nhưng có rất nhiều loại thông tin khác nhau có thể học được từ ngữ cảnh mà thông tin đó rất quan trọng trong việc sử dụng tiếp thụ và sản sinh từ. Những thông tin khác nhau này bao gồm: từ loại của từ, sự sắp xếp của từ trong cụm từ và câu, những từ thường đi kèm với nó…. Các loại thông tin khác nhau có liên quan chặt chẽ với nhau và đi cùng với nhau để làm phong phú thêm kiến ​​thức cho người học đối với  một từ. Các từ đi kèm một từ nào đó giúp xác định ý nghĩa của nó; các mô hình ngữ pháp có liên quan thường gắn chặt chẽ với từ; trật tự của một từ có thể ảnh hưởng đến chức năng ngữ pháp, cũng như ý nghĩa và phạm vi của nó trong một cấu trúc.

Việc hiểu ngôn ngữ của người đọc và người nghe (người học nói chung) dựa trên kiến thức của họ về thế giới và việc phân tích ngữ cảnh ngôn ngữ là để hiểu từ và cụm từ. Nghĩa của từ mang sự nhạy cảm ngữ cảnh.

Việc hiểu biết ý nghĩa cốt lõi của một từ là không đủ để sử dụng ngôn ngữ. Con người hiểu biết ý nghĩa đại diện cho mỗi từ mà họ rút ra được nhờ sự trợ giúp của ngữ cảnh. Trường hợp cụ thể thường là cần thiết cho việc hiểu đầy đủ. Một giá trị rất quan trọng của ngữ cảnh trong học từ vựng là ở chỗ một loạt các ngữ cảnh sẽ gợi lên những biến thể khác nhau trong những ví dụ cụ thể.

Việc cung cấp một ngữ cảnh câu, hoặc một số ngữ cảnh khác, cũng như định nghĩa của một từ sẽ trợ giúp đắc lực cho việc học tập từ. Ngữ cảnh và định nghĩa của từ có giá trị học tập cao hơn từ đồng nghĩa hoặc, một nhiệm vụ phân loại từ hoặc tìm nghĩa từ bằng cách sử dụng từ điển.

Khi học từ vựng một cách có chủ ý, ý nghĩa được cung cấp cho từ qua từ dịch hay một định nghĩa, còn ngữ cảnh được lựa chọn có thể cung cấp thông tin về tính năng ngữ pháp của từ, những từ thường đi kèm điển hình, tình huống sử dụng và các khía cạnh khác.

1.3. Ngữ cảnh cung cấp những manh mối nào và chúng có tác động như thế nào?

Động lực chính cho việc phân tích và phân loại các loại manh mối ngữ cảnh khác nhau là để cung cấp một danh sách các manh mối phục vụ cho việc đào tạo HVQT các kỹ năng đoán từ trong ngữ cảnh. Nếu giảng viên có một danh sách các manh mối được tạo lập tốt để làm việc, thì chúng có thể có tính hệ thống và nhất quán giúp họ thu hút sự chú ý của người học vào những manh mối và đào tạo HVQT nhận biết và sử dụng các manh mối. Hơn nữa, nếu tần số tương đối và hiệu quả của các manh mối khác nhau đã được xác lập thì có thể thiết kế một chương trình đào tạo bao gồm các loại manh mối.

Tuy nhiên, vốn kiến thức của người học là một cơ sở dự đoán từ trong ngữ cảnh.  Các nguồn kiến ​​thức mà học viên có thường gồm:

  • Kiến thức trong tiếng mẹ đẻ: những manh mối được dựa trên L1, các từ mượn trong L1 hoặc kiến ​​thức từ các ngôn ngữ khác;
  • Kiến thức trong ngôn ngữ học được: các manh mối được dựa trên kiến ​​thức tiếng nước ngoài;
  • Ngữ cảnh: các manh mối được dựa trên các văn bản hoặc kiến ​​thức cung cấp thông tin về thế giới.

2. Nâng cao năng dự đoán từ tiếng việt cho học viên quốc tế (HVQT)

2.1. Có thể giảng dạy những loại manh mối ngữ cảnh nào trong tiếng Việt cho HVQT?

Qua thực tiễn giảng dạy tiếng Việt, chúng tôi thấy có thể giảng dạy các loại manh mối chủ yếu dưới đây: (a) Hình thức, cấu trúc của từ ngữ:  Các sinh viên có thể xác định các ý nghĩa của từ bằng cách khảo sát, đặc trưng cấu tạo của từ. Ngữ cảnh có thể rộng nhưng cũng có thể hẹp. Ngữ cảnh bao hàm một số nội dung phụ thuộc lẫn nhau; thông thường những câu trước làm tiền đề cho những câu sau. Như thế, một cặp câu hay một chuỗi  gồm vài ba câu cũng có thể tạo ra một bài tập ngữ cảnh dành cho việc đoán từ. Hãy xét ví dụ dưới đây:

Đọc cặp câu dưới đây và chọn những đơn vị phù hợp với chỗ trống:

Đến Tràng Tiền, bạn…. (1)  lạc vào một rừng sách báo đầy màu sắc. Đó là thế giới của đủ các loại….. (2) , cả  sách báo tiếng nước ngoài… (3) sách báo tiếng Việt.

  1. A: như            B: bằng               C: nhất              D: hơn
  2. A: báo            B: sách báo         C: sách vở        D: sách
  3. A: lẫn             B: lẫn nhau          C: lẫn lộn          D: với

Để đoán từ cho mục 2 trong ví dụ trên, người học cần phải có khả năng hiểu được cách cấu tạo của những từ ghép  tổng hợp trong tiếng Việt. Bằng sự trợ giúp của  ngữ cảnh bắt buộc anh ta phải lựa chọn “sách báo” (B), chứ không phải lựa chọn “sách”(D) hoặc “báo” (A), dù rằng trong câu độc lập, cả A,B,C và D đều có thể điền vào câu thứ hai mà không sai về mặt ngữ pháp.

(b) Sự liên kết:  Đôi khi các từ trong cùng một câu hoặc trong những câu liền kề cung cấp một chỉ dấu về ý nghĩa của một từ mới, bởi vì những từ này thường xuyên xảy ra với các từ mới, sản sinh những gì đã được gọi là "sự gắn kết thành chuỗi" ví dụ như chuỗi “bao nhiêu… bấy nhiêu”: //X bao nhiêu, ăn hết bấy nhiêu//.Từ X có thể là “làm” (X= làm).

(c) Đồng nhất và tương phản: Người viết có thể biểu thị sự tương tự hoặc sự tương phản. Chẳng hạn, sinh viên hoàn toàn có thể đoán được những từ ngữ để hoàn thiên những câu như: Trời mùa đông mà nóng như X. Từ dự đoán có thể là X = mùa hè.

(d) Quan hệ bao gồm và nằm trong:  Người đọc có thể thấy được mối quan hệ giữa một từ chưa biết đi kèm với một loạt từ quen thuộc, chúng có cùng một khái niệm chung đi kèm với một ví dụ cụ thể.  Ví dụ: Bảo tàng chứa hầu hết các loại phương tiện vận chuyển: X…  Phương tiện vận chuyển được sử dụng trong trường hợp này là một khái niệm rộng, nó có thể bao gồm tất cả các đơn vị khác nhau được liệt kê. Ngoài ra, tất cả các loại đơn vị được liệt kê đều cùng một loại. những từ cần đoán có thể là: X = xe hơi, xe buýt, xe lửa,

Tương tự, chúng ta có các loại manh mối khác như dưới đây. (f) Từ thuộc cùng một loại phạm trù: - Văn và X của Hồ Chủ Tịch; từ dự đoán có thể là: X = thơ. (m) Giới từ: - Anh tăng tốc dọc theo X. Từ dự đoán có thể là: X = xa lộ; (n) Câu hỏi và trả lời: ví dụ - Yêu cô ta sẽ là một hạnh phúc hay một X… Từ dự đoán có thể là X = bất hạnh? (o) Định nghĩa: Đôi khi, người viết xác định ý nghĩa của từ ngay trong văn bản. Ví dụ: Nhiều động vật chỉ sống bằng cách ăn các động vật khác. Chúng  được gọi là X//. Từ dự đoán có thể là X = động vật ăn thịt.  (p) Lựa chọn thay thế: Thông thường người viết có thể lựa chọn một từ ngữ, thậm chí một câu để giải thích cho một từ mới làm cho người đọc hiểu… Ví dụ: X hay các chuyên gia trong nghiên cứu cá, đã đóng góp cho chúng ta sự hiểu biết về quá khứ. Từ dự đoán có thể là X = Nhà ngư học. Đây là từ mới đối với một số độc giả, nhưng người viết đã giải thích ý nghĩa của từ này bằng cách đưa ra một cụm từ giải thích với những từ ngữ quen thuộc hơn. (q) Trình bày, giải thích: Thường thì người viết có thể cung cấp đủ những lời giải thích cho ý nghĩa được rõ ràng Ví dụ: X có nghĩa là, được điều trị bằng cách sử dụng tia X, thường làm ngừng sự phát triển của một khối u. Từ dự đoán có thể là X = X quang trị liệu. Cụm từ giải thích “có nghĩa là” là tín hiệu để làm rõ một từ được sử dụng trước đó. (r) Dùng ví dụ chứng minh: Nhiều khi một tác giả có thể giúp cho người đọc có được ý nghĩa của một từ bằng cách cung cấp ví dụ minh họa cho việc sử dụng các từ. Ví dụ: Tất cả các X. đã được loại bỏ hoàn toàn chứ không phải chỉ là một cái bàn hoặc một cái ghế, như anh đã nhìn thấy. Từ dự đoán có thể là X = đồ nội thất. Người học sẽ có thể đoán ý nghĩa của ngữ “đồ nội thất” từ ​​hai ví dụ: một cái bàn, cái ghế được đề cập. (s) Tóm tắt: Một manh mối tóm tắt, tổng kết lại một tình huống, một phẩm chất hay một ý tưởng với một từ hoặc một cụm từ khái quát. Ví dụ: Cô Quí đóng góp tiền cho Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, và Hiệp hội Ung thư. Cô cũng là người tình nguyện làm việc nhiều giờ tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Cô thực sự là người X. Từ dự đoán có thể là X = vị tha. Từ tất cả những hành động của cô Quí, người đọc có thể suy ra đơn vị X chưa biết. (p) Dấu câu: Độc giả cũng có thể sử dụng các dấu câu và phong cách để suy ra ý nghĩa, như dấu ngoặc kép (từ có một ý nghĩa đặc biệt), dấu gạch ngang (biểu thị sự ghép lại), dấu ngoặc đơn hoặc dấu ngoặc kép (kèm theo một định nghĩa), và từ in nghiêng (hiển thị các từ sẽ được xác định).

2.2. Giảng viên có thể giúp người học nâng cao năng lực đoán trong ngữ cảnh bằng cách nào?

Từ những điều đã được phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy những cách quan trọng nhất, mà giảng viên có thể giúp người học nâng cao năng lực đoán từ trong ngữ cảnh, là (1) giúp họ tìm kiếm và lựa chọn tài liệu đọc và nghe với độ khó thích hợp; (2) khuyến khích người học đọc nhiều và giúp họ có được nhiều tư liệu nghe (đầu vào) dễ hiểu; (3) nâng cao kỹ năng đọc của họ để họ đọc trôi chảy và hiểu tốt hơn; (4) đào tạo, bồi dưỡng năng lực đoán từ trong ngữ cảnh.

Những cách này được xếp hạng theo thứ tự quan trọng; mục (1) là quan trọng nhất. Lý do của việc xếp hạng này là vì việc dự đoán từ ngữ cảnh dường như là một tiểu kỹ năng của kỹ năng đọc và để tạo tiền đề cho những tiểu kỹ năng đọc khác. Người đoán tốt thường là những người đọc tốt. Bốn cách ở trên có thể được mô tả khi ghép người học với văn bản, số lượng, cách tiếp cận các kỹ năng chung, và kỹ năng cụ thể.

Rõ ràng là, việc đào tạo và nâng cao năng lực dự đoán trợ giúp cho việc học từ vựng đơn giản chỉ vì nó khuyến khích người học chú ý có chủ định vào các mục từ vựng.

2.3. Làm thế nào để đào to HVQT đoán t trong ng cnh?

Có thể đào tạo người học dự đoán từ ngữ cảnh bằng cách dạy cho họ một số quy tắc. Khi có một từ, ngữ khó trong một câu, hãy yêu cầu người học xem xét những từ khác xung quanh từ đó trong văn bản, nó sẽ nói với người học nhiều hơn về từ ngữ đó, và hãy thực hành áp dụng các bước dự đoán như được trình bày ở phần cuối của bài viết.

Chúng ta có thể sử dụng cặp người học để tự họ xem xét, hợp tác với nhau để tìm ra ý nghĩa của một từ trong ngữ cảnh.

Việc đào tạo liên quan đến giới thiệu cho các HVQT ý tưởng trong việc sử dụng các manh mối để đoán định và giá trị của việc tìm kiếm nhiều manh mối. Hướng dẫn các manh mối để đoán từ cần: có kế hoạch, có trọng tâm, rõ ràng, có động cơ...

2.4. Thu hút sự chú ý vào việc học từ trong ngữ cảnh bằng cách nào?

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút sự chú ý của HVQT vào việc học tập từ trong ngữ cảnh. Để thu hút sự chú ý của HVQT vào việc học tập từ trong ngữ cảnh, cần giảng dạy từ trước khi cho người học tiếp xúc với văn bản. Những hoạt động tập trung sự chú ý như trình bày từ cho người học trước khi đọc và xác định từ tồn tại trong ngữ cảnh làm tăng số lượng của việc học từ vựng. Có những từ được nhấn mạnh trong văn bản có thể tăng cường việc tra từ điển và do đó gia tăng sự học tập. Việc thu hút sự chú ý đối với từ làm tăng cơ hội học từ, việc phân biệt giữa các tác động của các loại hoạt động vào việc học từ vựng và việc hiểu văn bản là điều quan trọng.

Ngoài ra, còn có thể thu hút sự chú ý của HVQT theo các cách sau:

  1. Thu hút sự chú ý vào từ:
  • Trước khi dạy: Cho HVQT xem một danh sách từ trước khi đọc
  • Giảng viên làm nổi bật từ, ngữ (bằng in màu sắc, in đậm, in nghiêng) trong văn bản
  • Có một danh sách từ trong khi họ đọc
  1. Cung cấp ý nghĩa bằng cách: (a) Chú thích; (b) giảng viên xác định trước thông qua giảng dạy; (c) giảng viên xác định trong khi nghe văn bản; (d) tra từ điển
  2. Thúc đẩy sự chú ý vào từ: cảnh báo trước sẽ có bài kiểm tra; cung cấp các bài tập để theo dõi; chú ý ngữ cảnh trong khi đọc (ví dụ điền vào một sổ tay từ vựng).

2.5. Sử dụng chú thích và từ điển có giúp cho việc học tập từ không?

Khi sự chú ý của người học được thu hút vào từ mới và có sự xác định rõ ràng về ý nghĩa, thì việc học tập từ vựng tốt hơn nhiều so với khi học đọc mà không cố ý tập trung vào từ vựng mới.  Ba hình thức chú thích có thể áp dụng là: (1) chèn một lời giải thích ngắn gọn của từ vào trong văn bản ngay sau từ (để HV làm quen với từ), (2) chú thích ở bên lề (nôi = giường nằm của trẻ sơ sinh) và (3) cung cấp hai lựa chọn trong nhiều lựa chọn bổ sung thông tin theo ngữ cảnh, khuyến khích sự nỗ lực của người học bằng cách lựa chọn và tránh những kết luận không chính xác bằng cách chứng minh một ý nghĩa.

2.6. Các bước tiến hành đoán từ trong ngữ cảnh 

Không có một qui trình tối ưu nào để đoán từ trong ngữ cảnh, nhưng hầu hết các qui trình đều thiết kế trên cùng các loại manh mối. Một số qui trình hướng tới dự đoán theo phương pháp quy nạp. Một số khác hoạt động đoán bằng phương pháp suy luận. Cách tiếp cận suy luận thì thích hợp hơn cho những người học trẻ, vì những người trẻ sẽ ít phân tích hơn trong cách tiếp cận của họ. Giảng viên cần cho người học làm quen ngày càng nhiều với những manh mối và tập trung vào sự phát triển sự thành thạo trong dự đoán. Phương pháp quy nạp rất hữu ích để làm cho người học nhận thức được các manh mối có sẵn và phát triển các tiểu kỹ năng cần thiết để sử dụng các manh mối.Mục đích của tất cả các qui trình đoán là để giúp người học trở nên thành thạo và khéo léo trong việc dự đoán từ ngữ cảnh và để việc dự đoán không làm gián đoạn quá nhiều đến dòng chảy bình thường trong quá trình đọc.

Có thể áp dụng qui trình 5 bước dưới đây:

Bước 1. Xác định những từ chưa biết trong một phần của văn bản.

Bước 2. Xem xét ngay ngữ cảnh hẹp của từ (mệnh đề, câu) đơn giản hóa ngữ pháp nếu cần thiết.

Bước 3. Xem xét ngữ cảnh rộng hơn của từ, trong những mối quan hệ với những câu hay mệnh đề liền kề.

Bước 4. Đoán.

Bước 5. Kiểm tra việc dự đoán.

Kiểm tra việc dự đoán cần xác định: (1) Từ được dự đoán có cùng từ loại với từ chưa biết không? (2) Thay thế từ được dự đoán cho từ chưa biết.Liệu nó có phù hợp hoàn toàn với ngữ cảnh không? (3) Tách những từ chưa biết thành các bộ phận.Ý nghĩa của các bộ phận có hỗ trợ cho dự đoán không? (4) Tìm kiếm từ trong từ điển.

Qui trình này được dựa chủ yếu trên các manh mối ngôn ngữ và dựa vào nội dung kiến ​​thức nền. Có hai lý do cho điều này: Thứ nhất, các manh mối, ngôn ngữ sẽ có mặt trong mỗi ngữ cảnh; Thứ hai, sử dụng kiến ​​thức nền như là nguồn thông tin chính để dự đoán.

Qui trình di chuyển từ tập trung hẹp trong các từ ở Bước 1 đến một cái nhìn rộng hơn trong Bước 3. Ở Bước 1, người học tập trung vào những từ chưa biết và đảm bảo rằng một từ nào đó đúng là từ cần tập trung vào. Lưu ý rằng phân tích từ thành các bộ phận không xảy ra ở bước này. Việc đi đến một dự đoán chính xác từ việc phân tích các phần của từ là ít đảm bảo chắc chắn hơn so với việc sử dụng các manh mối ngữ cảnh.

Bước 2 xem xét ngữ cảnh ngay tại chỗ, đó là mệnh đề hoặc câu có chứa những từ chưa biết. Nguồn thông tin này sẽ chứa những manh mối cần thiết để đoán hầu hết các từ một cách chính xác. Đôi khi, ngữ cảnh khó giải thích vì nó có thể là câu ngữ cảnh có hình thức bị động với tác nhân vắng mặt, hay vì chủ ngữ và động từ vị ngữ được phân cách bởi một mệnh đề quan hệ,… HV có thể thực hành làm rõ ngữ cảnh  bằng cách chuyển dạng bị động thành chủ động, bằng cách giải thích biểu vật của từ v.v.

Bước 3 liên quan đến việc xem xét ngữ cảnh rộng hơn. Một mối quan hệ phối hợp hoạt động có thể được sử dụng để thực hành ở phần này của qui trình. Trong hoạt động này, HV phải xem những gì mà việc tham gia của từ có thể được đặt giữa các mệnh đề có chứa từ chưa biết và các mệnh đề liền kề. Đôi khi mối quan hệ đó đã được đánh dấu bằng một liên từ, phó từ hoặc một số dấu hiệu của mối quan hệ khác, nhưng chúng vẫn sẽ phải được giải thích.  HV có thể thực hành Bước 3 bằng cách giải thích các mối quan hệ giữa các cặp câu trong một văn bản. Điều này là bổ ích nếu nó được thực hiện bởi các HV làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ.

Bước 4 là đoán: trọng tâm của quá trình đoán từ trong ngữ cảnh. Khi điều này được thực hiện như một hoạt động trong lớp học, thì giảng viên có thể cho điểm phần trăm cho sự phỏng đoán này với 100% (hoặc 110%) cho một dự đoán hoàn toàn chính xác, 90% đối với một dự đoán rất tốt, 80% cho một dự đoán gần đúng v.v...

Bước 5 liên quan đến việc kiểm tra các dự đoán xem nó có đi đúng hướng không. Việc so sánh từ loại của từ được dự đoán với từ loại được xác định ở bước 1 đảm bảo rằng những người học được tập trung vào những từ chưa biết. Cách thứ hai là kiểm tra - thay thế đảm bảo rằng ngữ cảnh đã được xem xét, bởi vì từ sẽ không phù hợp nếu nó không đúng. Cách thứ ba kiểm tra liên quan đến phân tích từ loại.Việc này được tiến hành để đảm bảo chắc chắn rằng người học không vênh trong giải thích ngữ cảnh và ý nghĩa của từ. Đây là một vấn đề rất phổ biến.Người học phân tích các bộ phận của từ và xem ý nghĩa của các bộ phận liên quan của từ để dự đoán. Nếu làm được như vậy, người học có thể cảm thấy tự tin hơn.Việc tra từ trong một từ điển là cách kiểm tra cuối cùng.Thật là dễ dàng để chọn ý nghĩa thích hợp của từ trong từ điển nếu từ có nhiều nghĩa được liệt kê ra, bởi vì việc dự đoán sẽ có được một dấu hiệu tốt mà trong đó có một nghĩa đưọc lựa chọn.

Qui trình suy luận có thể được thực hiện theo các bước sau đây:

  • Bước 1. Đoán ý nghĩa của từ.
  • Bước 2. Biện minh cho việc đoán bằng cách sử dụng một loạt các manh mối.
  • Bước 3. Điều chỉnh lại dự đoán nếu thấy cần thiết.

Ưu điểm của cách này là nó đặt dự đoán đi đầu trong các hoạt động và cho phép trực giác đóng một vai trò nhất định. Nó có thể áp dụng cho cả trong học nhóm cũng như trong hoạt động của lớp học.

Bất kỳ cách tiếp cận nào mà người học hướng đến, họ đều không cần bắt buộc phải theo một qui trình cứng nhắc khi dự đoán, nhưng họ cần phải tìm ra nhiều manh mối có thể và cần phải có những kỹ năng để suy ra nghĩa từ cần đoán.

2.7. Đào tạo HVQT về chiến lược đoán từ trong ngữ cảnh

Việc đoán từ trong ngữ cảnh là một hoạt động phức tạp dựa trên một loạt các kỹ năng và các loại kiến ​​thức. Nó là một trong những tiểu kỹ năng trong kỹ năng đọc và nghe. Nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của người học về đọc và nghe. Học một chiến lược dự đoán phức tạp sẽ không đủ bù đắp cho việc đọc kém hoặc các kỹ năng nghe kém và năng lực thấp. Việc phát triển các kỹ năng đọc và nghe là ưu tiên hàng đầu.

Khi HV được đào tạo về đoán từ trong ngữ cảnh, thì họ cần phải làm việc với các văn bản ít nhất 95% các từ đang có trong văn bản quen thuộc với họ. Điều này sẽ cho phép họ có thể tìm hiểu các manh mối đang có. Ngoài ra, các từ được chọn phải là từ có thể đoán được. Không phải tất cả các từ loại đều có đầy đủ các manh mối: tính từ thường khó đoán vì chúng nằm trong mối quan hệ với các từ khác, danh từ và động từ thường dễ đoán hơn.

Việc đào tạo dự đoán từ trong ngữ cảnh nên được dành cho nhiều thời gian. Trong lớp học tiếng Việt như một ngoại ngữ có thể thực hành ba hoặc bốn lần một tuần cho khoảng mười phút mỗi lần, ít nhất là sáu tuần, dài hơn thì càng tốt. Mục tiêu của việc thực hành là để người học có thể đoán từ ngữ một cách nhanh chóng mà không cần phải bắt buộc đi qua tất cả các bước. Bắt buộc HV làm quen với những chiến lược dự đoán theo hướng càng ngày càng tăng cường khả năng suy luận của họ. Một giờ hướng dẫn về các manh mối ngữ cảnh ngôn ngữ có thể giúp duy trì tỷ lệ thành công của suy luận; tạo ra một sự diễn giải về ý nghĩa của những từ mới.

Dự đoán từ trong ngữ cảnh có thể thực hiện trong các lớp học có giảng viên điều khiển, học theo nhóm, theo cặp và sau đó là học cá nhân. Việc đào tạo có thể tập trung vào các kỹ xảo cụ thể: xác định từ loại, giải thích các mối quan hệ kết hợp và phân tích các bộ phận của từ. Việc đào tạo cũng nên được thực hiện theo tất cả các bước, càng ngày càng nhanh hơn. Giảng viên có thể hướng dẫn các qui trình lần đầu tiên, sau đó, dần dần chuyển giao quyền kiểm soát cho các HV. HV có thể báo cáo về việc dự đoán trong việc đọc và nghe ở bên ngoài lớp học. Có thể có các bài kiểm tra thường xuyên đoán từ trong ngữ cảnh bằng cách sử dụng các câu riêng biệt và các văn bản được kết nối. Người học có thể cải thiện năng lực qua các bài kiểm tra này, vì thế cần ghi lại điểm của họ để tăng cường động cơ học tập.

Giảng viên cũng có thể xem xét, tìm hiểu rất nhiều các hoạt động khác nữa để cải thiện việc dự đoán. Trong bất kỳ danh sách các chiến lược học tập từ vựng nào, thì việc dự đoán từ ngữ cảnh sẽ phải đứng ở đầu danh sách. Mặc dù có những nhược điểm là một hình thức học tập ngẫu nhiên (và do đó là không chắc chắn) và không phải lúc nào cũng thành công (vì sự phụ thuộc vào các manh mối ngữ cảnh), nhưng nó vẫn là cách quan trọng nhất mà người sử dụng ngôn ngữ có thể mở rộng vốn từ vựng của mình. Nó xứng đáng được dành thời gian cho giảng dạy và học tập.

Tài liệu tham khảo

Allen, V. F. (1983) Techniques in Teaching Vocabulary. Oxford: Oxford University Press.

Carter, R. (1992) Vocabulary: Applied Linguistic Perspectives. London: Routledge.

Coady, J. (1987) Research on ESL/EFL Vocabulary Acquisition: Putting it in Context. New York: Oxford University Press.

Gairns, R. ﹠ S. Redman. (1985) Working with Words: A Guide to Teaching and

Learning Vocabulary. Cambridge: Cambridge University Press.

Harmer, J. (1987) Teaching and Learning Grammar. London: Longman.

Krashen, S. D.(1987) Principles and Practice in Second-Language Acquisition. Oxford: Pergamon Press Ltd.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay2,507
  • Tháng hiện tại137,718
  • Tổng lượt truy cập1,700,539
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây