- 20/03/2017 23:36:52
- Đã xem: 737
- Phản hồi: 0
Đầu thu năm ngoái, trên đường vô Nam công tác, chúng tôi có ghé vào một quán nhỏ ven đường. Quán nhỏ vô danh sẽ chẳng có gì đáng nhớ cả, cho đến khi, tôi ngước nhìn lên và thích thú nhận ra rằng, chúng tôi đang ngồi dưới bóng râm của một cây thị cổ. Trong khu vườn yên tĩnh, thị trổ lá vươn cành ôm lấy không gian, chở che cho quán nhỏ. Sau vòm lá biếc, những quả thị lấp ló xuất hiện, một số đã ngả vàng. Sắc vàng là dấu hiệu cho biết, thị đã chín rồi, chỉ còn chờ tay người hái xuống thôi. Chắc không ai nỡ vô tâm trước sắc hương mê hoặc của thị chín. Màu sắc và mùi hương đặc trưng ấy đã đi qua tuổi thơ của bao thế hệ người Việt nông thôn, lắng xuống rồi bừng lên thành cổ tích, ca dao, huyền thoại: “Thị ơi thị, thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Trên quãng đường còn lại, tôi miên man nghĩ về những cây cổ thụ ở quê nhà. Bao năm rồi, hình ảnh và số phận của chúng không thôi ám ảnh tôi.